Nông dân đốn bỏ cây ăn trái do nước mặn

17/03/2020 - 13:38

BDK.VN - Gần đây, nhiều nông dân tại huyện Chợ Lách ngậm ngùi đốn bỏ vườn cây ăn trái của mình do nước mặn làm cháy lá, chết cây. Hiện tại, nước mặn đã bao phủ toàn bộ vùng sản xuất cây ăn trái, cây giống của huyện làm thiệt hại khá lớn.

Ông Hiếu đốn bỏ vườn cây chôm chôm 30 năm tuổi bị nước mặn làm cháy lá, héo khô.

Ông Hiếu đốn bỏ vườn cây chôm chôm 30 năm tuổi bị nước mặn làm cháy lá, héo khô.

Mấy ngày nay, ông Nguyễn Văn Hiếu, ngụ ấp An Qui, xã Long Thới phải đốn hạ 4.000m2 vườn cây chôm chôm 30 năm tuổi đã bị cháy lá, héo khô của gia đình. Ông Hiếu cho biết: “Năm nay nước mặn xâm nhập sâu và kéo dài, cây chôm chôm trồng bị thiệt hại nên gia đình đành đốn bỏ để trồng cây khác. Hiện tại, một số vườn cây giống, cây ăn trái ở xung quanh cũng thiệt hại do nước mặn”.

 Theo ông Hiếu, năm 2016, nước mặn xâm nhập nhưng chỉ một thời gian ngắn nên một số vườn cây có thể cầm cự được còn năm nay kéo dài, rất nhiều vườn cây bị héo khô rồi chết.

Hiện tại, nước mặn xâm nhập đã đe dọa trực tiếp đến 8.575ha cây ăn quả và 1.300ha cây giống, hoa kiểng của huyện Chợ Lách. Trong đó, có khoảng 20 triệu sản phẩm cây giống như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi... đã bắt đầu ghi nhận thiệt hại do mẫn cảm với nước mặn. 

Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con mua dụng cụ trữ nước ngọt tưới cho cây giống, hoa kiểng và thực hiện các giải pháp kỹ thuật như: tưới tiết kiệm, tủ gốc... nhằm hạn chế thiệt hại.

Tin, ảnh: Thành Châu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN