BDK - Xã Hòa Nghĩa có 8 ấp, với 11.475 dân số, địa bàn vừa giáp sông Hàm Luông vừa giáp sông Cổ Chiên. Diện tích đất tự nhiên 1.793ha; trong đó, diện tích vườn cây ăn trái khoảng 1.015ha với 80% là trồng cây sầu riêng. Đời sống người dân phần lớn dựa vào kinh tế vườn, kinh doanh thương mại, dịch vụ.
Hội viên nông dân Tổ hợp tác trồng dừa xiêm xanh ấp Định Bình, xã Hòa Nghĩa trao đổi kinh nghiệm trong vườn dừa.
Mùa khô 2019 - 2020, tình hình xâm nhập mặn gay gắt, nhất là trên sông Hàm Luông khi độ mặn qua địa bàn lên đến 0,8%o, các hộ nông dân trên địa bàn ấp Định Bình nằm ven sông Hàm Luông chịu thiệt hại nặng nề nhất, với 78ha vườn cây ăn trái (chủ yếu là cây sầu riêng), không thể phục hồi. Đến mùa khô 2023 - 2024, xâm nhập mặn gay gắt tiếp tục tái diễn. Lúc này, mặc dù đã được đầu tư làm đập tạm ngăn mặn nhưng địa bàn ấp Định Bình vẫn còn rất nhiều diện tích cây ăn trái cập theo sông Hàm Luông nằm ngoài đập tạm. Các vườn cây sầu riêng khu vực này bị thiếu nước tưới, cháy lá, khô đọt, rụng trái non làm ảnh hưởng đến kinh tế người dân. Hộ ông Đỗ Hữu Thành là một trong các hộ nông dân trồng sầu riêng bị thiệt hại nặng nề, với 120 gốc sầu riêng. Hay hộ ông Nguyễn Văn Sang bị thiệt hại tới 160 gốc sầu riêng 4 năm tuổi. Thiệt hại nặng nề đã ảnh hưởng đến kinh tế của các hộ nông dân nhưng người dân vẫn muốn trồng lại sầu riêng do giá trị kinh tế của loại cây này cao hơn những loại khác.
Thấy tình hình đó, Hội Nông dân xã Hòa Nghĩa đã nghiên cứu, triển khai vận động hội viên nông dân chuyển đổi sang trồng dừa xiêm xanh để ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Nghĩa Hà Thư Hoàng cho biết: “Tình hình thực tế với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn đặt ra cho chúng tôi là phải tìm cách để chuyển đổi loại cây trồng khi cây sầu riêng quá nhạy cảm với nước mặn. Chúng tôi chọn cây dừa xiêm xanh vì trước hết là khả năng chịu mặn của cây dừa cao hơn sầu riêng, lại có thời gian trồng đến khi cho trái ngắn hơn (khoảng 2 năm), chi phí đầu tư lại thấp hơn sầu riêng”.
Ông Đỗ Văn Thành cho biết: Với dừa, bên cạnh việc phù hợp điều kiện tự nhiên thì trong thời gian đầu trồng, người nông dân có thể kết hợp trồng xen hoặc làm cây giống dưới tán dừa trong vườn để cho thu hoạch, cũng là cách để nông dân lấy ngắn nuôi dài. Cây dừa xiêm xanh của Bến Tre cũng đã có chỉ dẫn địa lý, nguồn tiêu thụ rộng, mở ra nhiều cơ hội cho người nông dân cải thiện, phục hồi kinh tế. Với 5 công đất, ông Thành đã trồng lại cây dừa xiêm xanh, đến nay được khoảng 2 năm rưỡi, đã bắt đầu cho lưỡi mèo. Còn hộ ông Nguyễn Văn Sang cũng đã trồng lại 210 cây dừa xen với 150 cây sầu riêng. Ông Sang dự tính, số sầu riêng trồng xen, ông sẽ dưỡng để cắt bán bo, nếu có xâm nhập mặn nữa thì ông cũng không quá lo về thiệt hại khi có thêm cây dừa trồng xen, kết hợp với các loại cây ngắn ngày khác trong vườn.
Theo Hội Nông dân xã Hòa Nghĩa, thực tế việc thuyết phục nông dân chuyển đổi sang trồng dừa trong khu vực vốn có truyền thống trồng sầu riêng chủ lực khá khó khăn khi giá trị kinh tế cây dừa có thể thấy rõ là còn chưa ổn định. Tuy nhiên, với tình hình của địa phương, chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn thì nếu cứ duy trì sầu riêng hay chôm chôm sẽ không còn phù hợp nữa, đời sống kinh tế của người dân sẽ gặp nhiều khó khăn.
Hội Nông dân xã Hòa Nghĩa tuyên truyền, vận động các hội viên nông dân ấp Định Bình chuyển đổi sang trồng dừa xiêm xanh. Đi đôi với vận động là hướng dẫn, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng dừa, kết nối với các doanh nghiệp hỗ trợ vật tư, bán trả chậm cho hội viên, tìm hiểu xu hướng thị trường và kết nối tiêu thụ. Đến nay, ấp Định Bình đã thành lập được tổ hợp tác trồng dừa xiêm xanh với 8 thành viên, diện tích trồng dừa đạt 5,9ha. Tổ hợp tác được thành lập trên tinh thần tình nguyện, có liên kết nhau đầu vào, đầu ra chặt chẽ, các hội viên trong tổ gắn bó, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau để trồng dừa xiêm xanh hiệu quả hơn.
“Từ mô hình này, chúng tôi sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để có hướng vận động các hội viên nông dân khu vực ven sông Cổ Chiên cùng chuyển đổi sang trồng dừa, thích ứng với biến đổi khí hậu. Sự linh hoạt và nhanh nhạy với tình hình thực tế, nông dân Chợ Lách đã chủ động tìm cách ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Vườn dừa ở ấp Định Bình, xã Hòa Nghĩa được chăm sóc theo hướng hữu cơ đang xanh tốt từng ngày, sẽ là điểm sáng mới để người nông dân Chợ Lách mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng phù hợp với tình hình thực tế”.