Bà Võ Thị Hảnh (Ba Tri) có nhu cầu tư vấn: Chồng tôi bị bệnh chết năm 2005 không có di chúc. Năm 2010, tôi cùng với con gái thống nhất, đồng ý ký tên cho con trai tôi đứng tên sổ đỏ do chồng tôi để lại, diện tích 7.200m2 gồm đất ở và đất giồng. Tôi ở chung với vợ chồng con trai tôi. Con gái tôi có chồng ở xa. Gia đình tôi xảy ra chuyện mâu thuẫn. Tháng 2-2018, con trai tôi đã nhận tiền để chuyển nhượng hết 7.200m2 đất cho người quen. Hiện tại, 2 bên mua, bán đất đã được chính quyền xã xác nhận xong.
Xin hỏi: Con tôi đã chuyển nhượng đất như vậy có đúng không? Tôi và con gái có được hưởng thừa kế của chồng tôi không? Tôi phải làm sao để có chỗ ở?
Thắc mắc của bà được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Theo như bà trình bày, chồng bà đứng tên hết 7.200m2 đất và ông chết vào năm 2005, không để lại di chúc. Năm 2010, bà cùng người con gái đồng ý ký tên cho con trai đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN.QSDĐ) toàn bộ diện tích đất do chồng bà để lại và con trai bà đã được cấp GCN.QSDĐ.
Theo quy định tại Điều 167, Điều 168 Luật Đất đai, kể từ thời điểm con trai bà được cấp GCN.QSDĐ thì con trai bà có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn QSDĐ theo quy định pháp luật. Nói chung, con trai bà có quyền định đoạt tài sản là đất đã được cấp GCN.QSDĐ.
Tuy nhiên, cũng cần xem xét việc cấp GCN.QSDĐ cho con trai trong trường hợp này là cấp cho hộ gia đình hay cấp cho cá nhân?
Trường hợp GCN.QSDĐ là cấp cho hộ gia đình, do bà là thành viên trong hộ, có công sức đóng góp vào khối tài sản chung, bà có thể yêu cầu tòa án xem xét giải quyết phân chia tài sản chung theo phần để bà có chỗ ở. Trường hợp GCN.QSDĐ là cấp riêng cho con trai bà thì anh ta có quyền định đoạt về tài sản này.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2, Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ”.
Do vậy, nếu như bà quá khó khăn về chỗ ở, bà có thể yêu cầu tòa án giải quyết buộc các con của bà có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và tạo chỗ ở ổn định cho bà lúc tuổi già.
H.Trâm (thực hiện)