Phân tầng thu dung, nâng cao hiệu quả điều trị

18/08/2021 - 06:19

BDK - Thực hiện quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế về thiết lập hệ thống quản lý điều trị bệnh nhân Covid-19 theo nguyên tắc “4 tại chỗ”, tỉnh đã phân tầng thu dung điều trị. Trên cơ sở phân loại tình trạng, diễn biến bệnh lý người bị nhiễm để có biện pháp theo dõi, điều trị phù hợp, hiệu quả, giảm tỷ lệ chuyển bệnh nặng, hạn chế tử vong.

Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (ảnh do bệnh viện cung cấp).

Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (ảnh do bệnh viện cung cấp).

3 tầng điều trị

Theo hướng dẫn phân tầng điều trị của PGS. TS. Lương Ngọc Khuê - Phó chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị Covid-19 tại hội nghị tập huấn trực tuyến về quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, người bệnh Covid-19 do Bộ Y tế vừa tổ chức, có 3 tầng điều trị.

Tầng 1, cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 và người bệnh Covid-19 mức độ nhẹ. Tầng 2, bệnh viện điều trị Covid-19 điều trị người bệnh mức độ vừa, người có suy hô hấp. Tại tầng 3, bệnh viện điều trị Covid-19 tích cực, điều trị người bệnh nặng, nguy kịch.

Với sự phân tầng này, tầng 1, gồm: bệnh viện dã chiến, chăm sóc điều trị tại cộng đồng quản lý, chăm sóc đối với bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng. Tầng 2, gồm: tất cả các cơ sở y tế có giường bệnh tuyến huyện trở lên phụ trách điều trị cho bệnh nhân ở mức độ trung bình, nhưng yêu cầu tối thiểu phải có oxy, thuốc kháng đông và kháng viêm.  Tầng 3, điều trị tại cơ sở tuyến cuối của tỉnh.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cũng nhận định, trong bối cảnh dự báo tình hình bệnh phức tạp hơn, tốc độ lây lan nhanh, rộng, tăng số người bệnh nặng, nguy kịch; tỷ lệ người được tiêm chủng còn thấp gây khó khăn trong công tác quản lý, điều trị. Do đó, các tỉnh, thành rà soát, xây dựng phương án, kịch bản ứng phó theo mức nguy cơ. Củng cố, thiết lập hệ thống cơ sở quản lý, điều trị Covid-19 theo tháp 3 tầng. Tăng cường công tác điều trị, giảm tối đa tử vong tại các tầng, đặc biệt tầng 1, 2. Bảo đảm duy trì hoạt động khám chữa bệnh thường quy.

“Việc phân tầng điều trị rất quan trọng, trong đó có vai trò điều tiết bệnh nhân đến các tầng phù hợp để tránh đưa bệnh nhân chưa nặng lên tầng cao, tránh để bệnh nhân có nguy cơ tử vong ở tầng 1 và tầng 2. Ở tầng 2 làm tốt sẽ giảm thiểu được các bệnh nhân nặng. Do đó, cần quan tâm nâng cao năng lực chăm sóc, điều trị ở tầng này. Tầng 3 là tầng hồi sức tích cực điều trị cho bệnh nhân nặng, cần chuẩn bị cơ số cho hồi sức tích cực và phải thực hiện được thở máy xâm nhập”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý.

Nâng cao hiệu quả điều trị

Phó trưởng Khoa Hồi sức sau mổ, Bệnh viện Trung ương Huế Đặng Như Quang - thành viên Tổ công tác Bộ Y tế tại tỉnh cho biết: Qua hơn 10 ngày làm việc, có thể thấy thời điểm ban đầu bùng phát dịch, hệ thống y tế điều trị chưa bắt kịp, chưa biết cách theo dõi khi diễn biến bệnh nặng và chưa xác định được nặng mức độ nào.

Thời gian qua, các cơ sở y tế tuyến huyện và bệnh viện dã chiến cử y sĩ, bác sĩ lên Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu để tiếp cận cách cấp cứu hồi sức cho bệnh nhân Covid-19. Sau 1 tuần, những y sĩ, bác sĩ về bệnh viện nơi công tác chia sẻ lại cho nhóm và lần lượt y sĩ, bác sĩ khác lên học tập. Đến nay, cán bộ y tế được hỗ trợ chuyên môn, điều trị bệnh nặng có thuyên giảm, tỷ lệ tử vong do Covid-19 giảm nhiều. Tại Bệnh viện dã chiến số 1, các y sĩ, bác sĩ có khả năng đảm bảo điều trị hồi sức.

Theo đánh giá của Tổ công tác Bộ Y tế, từ ngày 3-8-2021 trở lại đây, tỉnh có ghi nhận ca tử vong nhưng hầu hết tử vong trên nền bệnh khác. Những ngày qua, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu có ca nhiễm, các bệnh nhân nặng điều trị tại Khoa Nội A bị suy hô hấp trước đó chứ không hoàn toàn do nhiễm Covid-19.

Theo bác sĩ Đặng Như Quang, việc phân tầng sẽ bố trí nguồn lực phù hợp để nâng cao hiệu quả điều trị. Mỗi một tầng sẽ có 1 trang thiết bị và một số lượng nhân viên y tế chuyên ngành điều trị cho phù hợp để giảm áp lực cho nhân viên y tế, không dàn trải quá mức trang thiết bị lẫn nhân lực.

Cũng theo bác sĩ Đặng Như Quang, bệnh nhân nhiễm Covid-19 biến thể Delta khi diễn biến nặng rất nhanh, nhưng hỗ trợ điều trị kịp thời thì giảm. Thực tế tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ba Tri vừa có 1 trường hợp bệnh nhân diễn biến nặng, qua hội chẩn với tuyến tỉnh cho thở máy HFNC (máy thở chức năng cao - PV) ngay tức khắc không cần chuyển viện lên tuyến tỉnh. Khi thực hiện thở máy HFNC, tình trạng bệnh nhân thuyên giảm và chuẩn bị cai máy. Điều này cho thấy nguồn oxy và các trang thiết bị hiện đại là rất cần thiết trong điều trị bệnh nhân Covid-19.

“Rút kinh nghiệm thực tế điều trị tại Tiền Giang, để hạn chế ca tử vong, ngoài việc phân tầng điều trị, tỉnh cần tăng cường thêm các trang thiết bị phục vụ bệnh nhân. Qua khảo sát các bệnh viện, hầu hết cơ sở đảm bảo nhân lực, đặc biệt là đội ngũ y sĩ, bác sĩ rất nhiệt tình trong nhiệm vụ. Tuy nhiên, trang thiết bị vẫn còn hạn chế so với nhu cầu dịch bệnh”, bác sĩ Đặng Như Quang nêu. 

Giám đốc Sở Y tế Ngô Văn Tán cho biết, để đáp ứng yêu cầu phân tầng điều trị, tỉnh đã chuẩn bị các cơ sở điều trị F0 không triệu chứng tại các trung tâm y tế 9 huyện, thành phố và 2 cơ sở tại Trường Chính trị Bến Tre, Trung đoàn 895 (xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm) để làm tầng 1. Tầng 2 và tầng 3 sẽ điều trị tại các bệnh viện dã chiến và bệnh viện tuyến huyện, tỉnh. Việc để F0 không triệu chứng tại huyện sẽ giảm áp lực cho cơ sở y tế tuyến tỉnh và tránh chuyển tuyến không phù hợp.

Hiện nay, trong tình hình khó khăn, tỉnh đã trang bị đầy đủ oxy chai cho tất cả bệnh viện. Riêng Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu có oxy bồn. Từ nguồn hỗ trợ 20 máy HFNC, Sở Y tế đã phân bổ cho Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ba Tri và 4 bệnh viện dã chiến. Ngoài ra, tỉnh đang mua sắm thêm các trang thiết bị hiện đại và đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ 2 hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO), 2 máy xét nghiệm Realtime PCR, 40 máy HFNC và một số vật tư y tế khác phục vụ công tác phòng chống dịch trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị tập huấn mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý: Để đáp ứng yêu cầu điều trị, các tỉnh, thành khẩn trương, nghiêm túc rà soát điều kiện oxy ở từng cơ sở điều trị, đánh giá khả năng đáp ứng và chuẩn bị nhân lực y tế tại chỗ, huy động tối đa nhân lực tại chỗ, bao gồm cả y tế tư nhân chứ không trông chờ vào sự chi viện nhân lực y tế. Phải chuẩn bị cao hơn một mức so với tình hình dịch hiện tại.

Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN