20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi, bài 3:

Phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi

22/08/2022 - 05:34

BDK - Nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) trên địa bàn tỉnh được mở rộng về quy mô, kết cấu nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực, phục vụ nhu cầu vay vốn ngày càng tăng của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Một hộ vừa thoát nghèo ở xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách nhờ vay vốn tín dụng ưu đãi để sản xuất, buôn bán cây giống, hoa kiểng.

Một hộ vừa thoát nghèo ở xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách nhờ vay vốn tín dụng ưu đãi để sản xuất, buôn bán cây giống, hoa kiểng. 

Kết quả hoạt động tín dụng

Năm 2003, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh nhận bàn giao theo nguyên trạng 3 chương trình tín dụng 36.410 món vay, với dư nợ 124 tỷ đồng. Đến ngày 30-6-2022, chi nhánh đã thực hiện cho vay 14 chương trình TDCS, tăng 11 chương trình.

Sau 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn, Ngân hàng CSXH tỉnh đã thực hiện cho vay 681.894 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với số tiền 10.120 tỷ đồng, giúp 116.623 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững. Tạo việc làm mới cho 48.243 lượt lao động, trong đó có 2.330 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Giúp 46.031 học sinh, sinh viên vay vốn học tập. Hỗ trợ hộ nghèo xây dựng 10.397 căn nhà. Hỗ trợ xây mới và cải tạo 95 nhà ở xã hội. Xây dựng 223.605 công trình nước sạch và 223.605 công trình nhà vệ sinh nông thôn. 22.408 lượt hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, 565 lượt thương nhân vùng khó khăn vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tín dụng CSXH thực sự trở thành một công cụ không thể thiếu trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn.

Những đóng góp từ các chương trình TDCS góp phần thực hiện tốt chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, chương trình khởi nghiệp thoát nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Vốn TDCS đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao mức sống.

Với những kết quả đạt được, đại diện Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho rằng, chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4-10-2002 của Chính phủ cần tiếp tục mở rộng về quy mô nguồn vốn, đối tượng thụ hưởng để phù hợp với mức độ tăng trưởng kinh tế, nhằm thu hẹp khoảng cách phân hóa giàu nghèo, hạn chế “tín dụng đen”.

Huy động nguồn lực

Từ nguồn vốn ban đầu chủ yếu của Nhà nước, đến nay, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương; vận động các đơn vị, doanh nghiệp ủy thác nguồn vốn để cho vay; tích cực huy động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân, tiền gửi của tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn.

Khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư, việc bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách được thực hiện thường xuyên, năm sau cao hơn năm trước, giúp người nghèo, người lao động thực hiện tốt sinh kế, dự án khởi nghiệp thoát nghèo bền vững. Đến ngày 30-6-2022, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh huy động nguồn vốn đạt 3.923 tỷ đồng, tăng 3.773 tỷ đồng (26 lần) so với năm 2002. Trong đó, nguồn vốn Trung ương 3.219 tỷ đồng, tăng 3.078 tỷ đồng (tăng 23 lần) so với năm 2002, chiếm 82,10% tổng nguồn vốn; nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương 106 tỷ đồng, tăng 97 tỷ đồng (12 lần) so với năm 2002, chiếm 2,72% tổng nguồn vốn; nguồn vốn huy động 597 tỷ đồng, chiếm 15,18% tổng nguồn vốn.

Bên cạnh đó, việc UBND tỉnh phát động Ngày “Gửi tiết kiệm vì người nghèo” góp phần huy động nguồn vốn lan tỏa trong cộng đồng xã hội. Qua đó, thu hút nhiều tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các nhà hảo tâm và cộng đồng dân cư tham gia. Tính đến ngày 30-6-2022, số dư tiền gửi tiết kiệm vì người nghèo đạt 56 tỷ đồng, bổ sung thêm nguồn vốn TDCS cho người nghèo. Nguồn vốn TDCS ngày càng mở rộng về quy mô, kết cấu nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để phục vụ nhu cầu vay vốn ngày càng tăng của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Trong định hướng, mục tiêu và giải pháp thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác giai đoạn đến năm 2030, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đề ra mục tiêu: Tăng trưởng dư nợ ít nhất 10%/năm. Dư nợ đạt 760 tỷ đồng/phòng giao dịch, đạt 2 tỷ đồng/tổ tiết kiệm và vay vốn. Phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 10%/tổng nguồn vốn.

Đánh giá cao hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh qua 20 năm thực hiện chính sách tín dụng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho rằng: Hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh có sự gắn kết chặt chẽ. Đặc biệt, công tác phối hợp với các địa phương và các đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế, từng bước tuyên truyền, tác động các đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách ý thức vươn lên. Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh là một trong những trụ cột trong thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tại tỉnh.

Giai đoạn 2002 - 2022, doanh số cho vay của Chi nhánh Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh 10.119 tỷ đồng, với 681.894 lượt khách hàng vay. Bình quân 1 khách hàng vay 15 triệu đồng. Doanh số thu nợ 6.961 tỷ đồng, tổng dư nợ 3.284 tỷ đồng, tăng 3.139 tỷ đồng so với năm 2002 (tăng 23 lần) với 120.917 khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân 27 triệu đồng/khách hàng. Nợ quá hạn 7 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn 0,22%.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN