Doanh nghiệp quan tâm đầu tư thiết bị sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Cẩm Trúc
Trên thực tế, hoạt động nghiên cứu phát triển (hoạt động R&D), đổi mới công nghệ… trong phần lớn DN được triển khai chung với sản xuất, kinh doanh; đầu tư đổi mới công nghệ được quản lý chung theo quy trình đầu tư phát triển trong sản xuất. Kinh phí đầu tư cho hoạt động R&D chưa được tính toán riêng, tác động của nó đến sản xuất, kinh doanh chưa được đánh giá đầy đủ. Khác với sản xuất, kinh doanh, hoạt động R&D và đổi mới công nghệ mang đặc thù riêng, hiệu quả của nó không chỉ phụ thuộc vào yếu tố tài chính, mà còn ở phương thức tổ chức triển khai và cách thức quản lý. Do vậy, ngoài mục tiêu tạo nguồn tài chính, việc thành lập quỹ để tổ chức triển khai hoạt động R&D và đổi mới công nghệ một cách khoa học, chuyên nghiệp thật sự cần thiết nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Theo Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN thì hàng năm, DN được trích tối đa 10%/thu nhập tính thuế thu nhập DN để thành lập Quỹ phát triển KH&CN của DN. Khoản trích này DN không phải đóng thuế và sử dụng quỹ này cho hoạt động KH&CN của DN. Đây là một trong những nguồn lực quan trọng để các DN đầu tư nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị, áp dụng KH&CN hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tăng năng suất, tăng khả năng cạnh tranh.
Tại tỉnh, có rất nhiều DN tham gia các lớp tập huấn và được hướng dẫn thành lập Quỹ phát triển KH&CN nhưng đến nay chỉ có vài DN đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ để lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn liên quan. Một số DN thành lập Quỹ phát triển KH&CN sau khi đã thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước, chưa phù hợp theo Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC.
Theo kết quả thăm dò, khảo sát tại DN từ năm 2017 - 2020, các vướng mắc nổi lên chủ yếu tập trung vào các nhóm vấn đề chính:
Thứ nhất, cơ chế, chính sách chưa rõ ràng, cụ thể như có quá nhiều điều khoản ràng buộc với các thông tư, văn bản hướng dẫn chồng chéo, không rõ ràng và chưa sát với thực tế.
Thứ hai, thủ tục thành lập quỹ phức tạp, hàn lâm, chưa có hướng dẫn cụ thể.
Thứ ba, giới hạn thời gian trích lập ngắn và sau 5 năm lập quỹ, nếu DN không sử dụng hết sẽ bị truy thu, thậm chí phạt lãi suất phát sinh.
Thứ tư, nội dung chi của quỹ chưa rõ ràng, nội dung chi không được quy định trong thông tư và hướng dẫn sử dụng một cách rõ ràng dẫn đến 2 vấn đề chính mà các DN thường nêu ra: (1) DN không nắm rõ mục đích chi của quỹ dẫn đến việc sử dụng sai mục đích và không được quyết toán thuế; (2) Cách hiểu về nội dung chi của DN và cơ quan quản lý nhà nước là chưa thống nhất dẫn đến việc khó khăn trong quá trình thanh quyết toán số tiền đã sử dụng từ quỹ.
Tháo gỡ khó khăn
Nguyên nhân cơ bản đã được DN chỉ ra, nhưng cần tháo gỡ từ đâu để DN mạnh dạn trích lập và sử dụng nguồn quỹ đầu tư nâng cao năng lực KHCN và đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, Bộ KH&CN và Bộ Tài chính cần chỉnh sửa, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tế; cần thống nhất các biểu mẫu hướng dẫn cho DN theo hướng đơn giản, thuận lợi cho DN. Đặc biệt, Bộ KH&CN nên có hướng dẫn chung để DN thuận tiện, yên tâm sử dụng làm cơ sở trích lập Quỹ phát triển KH&CN.
Đối với tỉnh, Sở KH&CN phối hợp với cơ quan thuế triển khai, tập huấn, hướng dẫn DN thực hiện trích lập và sử dụng quỹ phù hợp với quy định:
Thứ nhất, xây dựng và ban hành Cẩm nang sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của DN và hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện phù hợp với từng loại hình DN.
Thứ hai, tổ chức tập huấn chuyên sâu việc thành lập Quỹ phát triển KH&CN của DN, tập trung vào các vấn đề vướng mắc hiện nay như: hình thức tổ chức; nguồn hình thành; trách nhiệm và quyền hạn quản lý quỹ; cụ thể hóa nội dung chi của quỹ phù hợp với các quy định về quản lý tài chính hoạt động KH&CN; quản lý tài chính, tài sản hình thành từ quỹ; xử lý quỹ khi DN không sử dụng, sử dụng không hết và sử dụng không đúng mục đích; quản lý quỹ khi có sự thay đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách DN.
Thứ ba, phối hợp với cơ quan thuế tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hướng dẫn điều chuyển, đóng góp kinh phí về quỹ của tỉnh và DN được quyền ưu tiên sử dụng số kinh phí này để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN khi cần thiết nhằm giải quyết khó khăn cho DN trong việc trích lập, điều chuyển, trong sử dụng và quản lý quỹ đúng mục đích.
Dương Thị Kim Thoa (Sở Khoa học và Công nghệ)