Sản xuất cây giống ở Chợ Lách.
Chuẩn hóa cây giống
Cuối buổi sáng nhưng điện thoại di động của ông Nguyễn Văn Dũng, chủ cơ sở sản xuất cây giống Chín Dũng (ấp Nhơn Phú, xã Hòa Nghĩa) cứ dăm ba phút lại reo. Đầu dây bên kia khi là các bạn hàng gọi tới trao đổi việc làm ăn, khi là nhân viên gọi tới liên hệ sắp xếp công việc, xe hàng tới đếm cây giống, khách vãng lai tới xem cây ra vào tấp nập. Cây giống Chín Dũng là một trong các cơ sở sản xuất và kinh doanh cây giống lâu năm ở huyện Chợ Lách. Ông Chín Dũng nối nghề làm cây giống của cha mình đến nay cũng hơn 30 năm, ra kinh doanh cũng đã 12 năm, mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 30 - 40 ngàn sản phẩm cây giống các loại. “Dựng bảng hiệu lên là một chuyện, nhưng cái khó là mình phải làm sao để giữ được bảng hiệu của mình”, ông Chín Dũng nói.
Thực tế cho thấy, dù sản xuất cây giống phát triển rầm rộ nhưng chủ yếu vẫn là manh mún nhỏ lẻ. Tình trạng cây giống không đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng đang là nguy cơ đe dọa danh tiếng “cây giống Cái Mơn”. Theo ông Lê Văn Đơn - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đối với thực trạng này, UBND huyện có xây dựng chương trình quản lý, nâng cao chất lượng cây giống. Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp như: hỗ trợ nông dân phát triển, bình chọn, đăng ký cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, tập huấn cấp giấy chứng nhận tay nghề sản xuất, xây dựng quy trình sản xuất cây giống, hướng dẫn công bố tiêu chuẩn chất lượng. Vừa qua, huyện đã cấp giấy chứng nhận cho 153 hộ ở các xã Tân Thiềng, Hưng Khánh Trung B, Vĩnh Thành; phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện đào tạo nghề cho 60 hộ nông dân ở các xã Long Thới, Sơn Định.
Cùng với nâng cao tay nghề lao động, huyện cũng chú trọng việc phát triển cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng để sản xuất cây giống đảm bảo chất lượng. Như cơ sở của ông Chín Dũng hiện nay đã đăng ký sở hữu vườn cây đầu dòng các loại: sầu riêng, chôm chôm, mít. Riêng cây mít, ông Chín Dũng mới hoàn thành hồ sơ công nhận cây mít đầu dòng siêu sớm da xanh. Trên địa bàn huyện đến nay hiện có 28 cây đầu dòng, 90 vườn cây đầu dòng được chứng nhận, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cung cấp mắt ghép sản xuất khoảng 40 triệu sản phẩm cây giống.
Theo nhận định của các cơ sở sản xuất cây giống, khả năng bão hòa thị trường với một số loại cây giống truyền thống là có. Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất cây giống cũng đồng thời tìm kiếm và phát triển giống mới. Hiện nay, thị trường đang nổi lên một số giống mới có chất lượng và năng suất cao như: mãng cầu hoàng hậu (na), sầu riêng musang king... được chú ý nhưng chưa phổ biến.
Liên kết để đi xa
Đứng trước nhu cầu của thị trường, cùng với đảm bảo chất lượng cây giống, nông dân Chợ Lách cần có sự liên kết lại để đi xa hơn. Thời gian qua, thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông sản chủ lực, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) đã được thành lập nhưng chất lượng chưa được như kỳ vọng. Tỉnh và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nâng chất lượng hoạt động của tổ hợp tác, HTX như: đào tạo, nâng cao kỹ năng điều hành, quản lý cho ban điều hành, quản lý, thường xuyên kiểm tra giám sát chất lượng, có các chính sách hỗ trợ phát triển... Qua đó, có các HTX cũng đã chuyển biến tích cực.
Cuối tháng 9-2019, HTX nông nghiệp Thắng Lợi (xã Long Thới) được thành lập với 38 ngành nghề sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp từ xử lý hạt giống, sản xuất cây giống đến các sản phẩm chế biến từ nông sản, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, thiết bị, nông cụ, dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân.
Ông Phạm Hồng Khánh - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết: “Nếu cứ sản xuất manh mún nhỏ lẻ thì sẽ đến lúc không tồn tại được trước sự lựa chọn của thị trường, nếu muốn hội nhập thì mình phải đi theo hướng kinh tế tập thể, sản xuất bền vững, có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”. HTX nông nghiệp Thắng Lợi định hướng là HTX tiên phong đi đầu sản xuất cây giống theo chuỗi giá trị, có truy xuất nguồn gốc giống cây trồng. Với lợi thế là có đội ngũ lãnh đạo, điều hành có năng lực và kinh nghiệm về quản trị cũng như các xã viên đồng lòng, HTX cũng đang được kỳ vọng tạo nên những đột phá cho hoạt động của kinh tế hợp tác tại địa phương.
“Cái khó khăn nhất của người nông dân hiện nay là sản xuất đại trà, theo xu hướng nhưng phụ thuộc vào thị trường, không biết bán cho ai, tái đầu tư ra sao”, ông Phạm Hồng Khánh nhận định. HTX phân bổ theo vùng nguyên liệu, sản xuất tập trung và bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Xã viên tham gia HTX đăng ký sản lượng sản xuất, HTX chịu trách nhiệm hoạch định sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật theo quy định, có đội ngũ kỹ thuật hướng dẫn thực hiện theo đúng quy trình hiện nay, để đạt sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm ra thị trường có tem chứng nhận xuất xứ nguồn gốc để đảm bảo tất cả các sản phẩm có thương hiệu.
Hướng đi của ngành nông nghiệp Bến Tre là phát triển bền vững theo hướng hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao. Sản xuất cây ăn trái có chất lượng cần bắt đầu từ nguồn giống tốt. Ngành sản xuất cây giống ở xứ sở cây giống Cái Mơn, Chợ Lách đã đến lúc chuyển mình để phù hợp với thị trường và cũng là giữ vững danh tiếng ngành nghề truyền thống bấy lâu của địa phương.
Bài, ảnh: Thanh Đồng