|
Khu Ứng dụng công nghệ sinh học Cái Mơn nuôi cấy mô sản xuất các giống hoa kiểng. Ảnh: C. Trúc |
Bà Võ Thị Thanh Hà - Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ kiêm Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cho biết, sau hơn 1 năm nhận bàn giao, đi vào hoạt động, Khu Ứng dụng công nghệ sinh học Cái Mơn (đóng trên địa bàn xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) đã nghiên cứu thành công và làm chủ được công nghệ nuôi cấy mô sản xuất các giống hoa kiểng như: hoa lan, hoa cúc, hoa chuông, dã yên thảo.
Đơn vị đã sản xuất và cung cấp cho thị trường huyện Chợ Lách trên 10 ngàn cây hoa cấy mô các loại và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng.
Trong sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ nông nghiệp và môi trường, đơn vị đã làm chủ công nghệ phân lập nấm nguồn, nhân giống nấm xanh (Metarhizium anisopliae) phòng trừ sâu tơ, sâu cuốn lá, rầy nâu gây hại trên rau củ, lúa. Nấm an toàn trên người, vật nuôi và không gây ô nhiễm môi trường. Với loại nấm này, đơn vị đã sản xuất và cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 100 đĩa nấm nguồn và 200kg nấm xanh thương phẩm.
Bên cạnh việc sản xuất, nhân giống cây trồng nhanh với sản lượng lớn và giảm chi phí, đơn vị đang nghiên cứu, lai tạo các giống mới cho hoa đẹp, đa dạng màu sắc như: phong lan, cúc, thược dược. Nổi bật hơn là công nghệ nuôi cấy mô và bảo tồn giống một số loại cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu. Điển hình là các loại chuối (chuối xiêm, chuối già Nam Mỹ, chuối già Philippines, chuối già Úc, chuối tiêu Bến Tre, chuối cau, chuối sáp, chuối cau lửa…), nha đam Mỹ, cây tiêu, gừng, nghệ đen, nghệ xà cừ… Đơn vị đã làm chủ công nghệ cấy mô đối với cây chuối; sản xuất và cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh trên 40 ngàn cây chuối cấy mô. Ngoài ra, đơn vị cũng đã nghiên cứu sản xuất thành công đối với nấm Trichoderma, ứng dụng công nghệ vi sinh sản xuất và cung cấp thị trường giá thể hữu cơ, đất sạch, phân bón vi sinh, phân bón hữu cơ vi sinh có chất lượng cao. Đơn vị cũng đã thực hiện việc lưu trữ, nhân giống và bảo tồn đối với một số giống cây trồng, hoa kiểng tại địa phương trong điều kiện biến đổi khí hậu do người dân yêu cầu.
Được biết, Khu Ứng dụng công nghệ sinh học Cái Mơn hoàn tất và nghiệm thu giai đoạn 1 vào cuối năm 2015. Các hạng mục xây dựng cơ bản gồm: trung tâm thí nghiệm, hội trường, 1 nhà màng, trạm xử lý nước, tường rào, hệ thống điện - nước. Dự kiến trong năm 2017, giai đoạn 2 sẽ được đầu tư các trang thiết bị máy móc để phục vụ cho công tác nghiên cứu và thực hiện các nhiệm vụ tại đây như: nghiên cứu cơ bản; chuyển giao, ứng dụng; tổ chức và phối hợp; thực hiện các dịch vụ khoa học và công nghệ.