
Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp chia sẻ tại hội thảo và nhận quà từ Betrimex.
Hội thảo đã tập trung đánh giá đúng hiện trạng ngành dừa Việt Nam; vị trí, vai trò của ngành dừa Việt Nam trên thế giới; những tồn tại, hạn chế và mục tiêu phát triển đến năm 2030; để từ đó đề ra những giải pháp phù hợp. Định hướng và giải pháp phát triển cây dừa đến năm 2030 theo hướng sử dụng tối ưu các nguồn lực, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh ngành hàng dừa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo đó, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối với các thị trường xuất khẩu như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Trung Đông, châu Phi, EU...; đề nghị các Tham tán thương mại tại các nước hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh tìm kiếm và kết nối với các nhà nhập khẩu nước ngoài, nhất là các nước trong Hiệp định Thương mại tự do.

Đại biểu tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm.
Đồng thời, kiến nghị hỗ trợ các doanh nghiệp đưa sản phẩm dừa tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới để mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục thực hiện việc đàm phán với cơ quan thương mại Trung Quốc để đưa mặt hàng dừa trái vào danh mục được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Thúc đẩy nhanh quá trình đàm phán với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sớm cho phép trái dừa tươi Việt Nam được vào danh sách xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp Nguyễn Quang Dũng cho biết: Từ trước đến nay, dừa là 1 cây đa dụng, đa giá trị. Xuất khẩu dừa của Việt Nam đạt hơn 900 triệu đô-la và có tiềm năng rất lớn. Bến Tre là thủ phủ của dừa, trong cùng với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khác đã phát triển rất nhiều mặt hàng có giá trị. Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam đến năm 2030 là rất cần thiết. Cùng với 5 loại cây khác là tiêu, điều, cà phê, chè, cao su thì đề án sẽ trình Chính phủ đối với cây dừa trong thời gian tới.
Hiện nay, Đề án phát triển cây công nghiệp Việt Nam đến năm 2030 đã khảo sát (trong đó có cây dừa) trên 9 tỉnh, 2 tỉnh miền Nam Trung Bộ, 7 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và thu thập số liệu thứ cấp tại các tỉnh khác.
Tin, ảnh: Cẩm Trúc