Phát triển du lịch nông nghiệp Bến Tre

24/02/2023 - 05:42

BDK - Cùng với các tỉnh, thành phố trên cả nước, hoạt động du lịch (DL) nông nghiệp (NN) nông thôn ở Bến Tre đã được khai thác với nhiều loại hình và sản phẩm DL như: DL tham quan các vườn dừa, vườn cây ăn trái, DL trải nghiệm sống trong nhà dân và tham gia sinh hoạt với người dân, tham quan và trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống… Thời gian gần đây, DLNN đã tạo được các điểm nhấn, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Du khách trải nghiệm ra đồng cùng nông dân xã Bảo Thuận (Ba Tri).

Du khách trải nghiệm ra đồng cùng nông dân xã Bảo Thuận (Ba Tri).

Tiềm năng du lịch nông nghiệp

Theo nhận xét của TS. Phan Thị Ngàn - giảng viên Khoa DL, Việt Nam học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Bến Tre có hệ sinh thái đa dạng và phong phú, cùng các giá trị về văn hóa, lịch sử, các giá trị nhân văn là điều kiện phát triển DL nói chung và DLNN nói riêng. Đây cũng là những điểm khác biệt của Bến Tre so với những nơi khác nếu khai thác đúng cách thì có thể tạo ra sản phẩm DL đặc trưng, thu hút khách DL.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Bàn, hiện ngành DL của tỉnh đang tập trung khai thác các yếu tố đặc trưng về cây dừa, hoa kiểng, cây giống cũng như môi trường sinh thái sông nước và đặc trưng về đời sống NN của cư dân trên các cù lao, cồn nổi. Toàn tỉnh hiện có 57 làng nghề đã được công nhận, trong đó có 39 làng nghề NN, 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Các làng nghề NN truyền thống của tỉnh chủ yếu sử dụng phương pháp sản xuất thủ công, tạo sự hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước khi tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm... Cùng với đó, các homestay kiểu mới của tỉnh tập trung ở Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, TP. Bến Tre và các điểm DL ở huyện Thạnh Phú cũng đang phát triển dựa trên nguồn tài nguyên bản địa, hoạt động gắn kết chặt chẽ với khai thác sản phẩm DLNN.

Tỉnh đang triển khai thực hiện Đề án Làng Văn hóa DL Chợ Lách. Đây là một trong những nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Định hướng của Làng Văn hóa DL Chợ Lách sẽ là một trung tâm DL, tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí mang tầm quốc gia trên cơ sở khai thác các lợi thế sẵn có về tài nguyên văn hóa bản địa, tài nguyên thiên nhiên và sản phẩm NN chủ lực, đặc thù, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của ngành DL tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển DLNN ở tỉnh còn nhiều điểm cần quan tâm như: cơ sở hạ tầng tiếp cận các điểm DL sinh thái NN chưa được đầu tư hoàn thiện, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, sản phẩm còn đơn điệu, công tác xúc tiến quảng bá DL, sự kết nối các điểm DLNN với các công ty lữ hành hiện nay chưa bền vững, vấn đề vệ sinh môi trường...

Văn hóa truyền thống và con người

Để khai thác và phát triển DLNN bài bản và hiệu quả hơn, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương phát triển DL để nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận trong hành động của các cấp ủy, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Đồng thời, tỉnh tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia... để xây dựng, đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh kết hợp với phát triển DL.

Du khách cùng nông dân ra đồng ở điểm du lịch Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri. Ảnh: Thanh Đồng

Du khách cùng nông dân ra đồng ở điểm du lịch Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri. Ảnh: Thanh Đồng

Bên cạnh đó, vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh DL trên địa bàn tỉnh nghiên cứu xây dựng, phát triển thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ DL mới, nhất là các loại sản phẩm, dịch vụ DL về đêm, Chương trình OCOP để tạo ra sản phẩm DLNN đặc trưng của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng, đăng ký, bảo vệ, khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với các thương hiệu, sản phẩm, loại hình, dịch vụ DL đặc trưng của tỉnh.

Ngành chức năng rà soát nghiên cứu đề xuất các chính sách có tác động trực tiếp đến DL phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của tỉnh trong giai đoạn hiện nay như: chính sách về đào tạo, truyền thông, kêu gọi đầu tư DL, cơ chế chính sách đặc thù, ưu tiên cho loại hình DLNN, các chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ, thị trường… nhằm hỗ trợ, khuyến khích, động viên các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia kinh doanh các loại hình, dịch vụ phục vụ cho phát triển DL. Đẩy mạnh ứng dụng 4.0 trong công tác quản lý nhà nước về DL và công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến DL.

Tiếp tục triển khai thực hiện đạt hiệu quả các chương trình, kế hoạch liên kết hợp tác phát triển DL đối với các tỉnh, thành phố đã ký kết, đặc biệt là phối hợp triển khai đạt kết quả thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển DL TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 - 2025, Cụm liên kết hợp tác phát triển DL phía Đông đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, mở rộng liên kết, hợp tác phát triển DL với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DL của tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả trong thời gian tới.

“Trong phát triển DLNN, tài nguyên thiên nhiên là quan trọng nhưng chủ thể và hạt nhân phải là văn hóa truyền thống của tỉnh, gắn với con người Bến Tre trong từng ánh mắt, nụ cười, nếp sống, thái độ cư xử với du khách. Phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần gắn với chiến lược xây dựng và phát triển nông thôn mới, thông qua DL góp phần tạo động lực cho nông thôn mới có thêm sức sống và giúp cho NN thật sự là NN sản xuất lớn, nâng cao vai trò chủ thể của người nông dân, góp phần phát huy tinh hoa văn hóa địa phương thông qua các sản phẩm DL gắn với NN”.

(PGS.TS. Huỳnh Quốc Thắng - giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN