Du khách trải nghiệm thu hoạch củ cải trắng ở xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri.
Du lịch nông nghiệp xứ biển
Đến Bảo Thuận 9 giờ sáng, đoàn chúng tôi nghỉ chân tại quán ăn của chị Lâm Thúy Huyền, nằm bên bờ biển Cồn Ngoài. Gia đình chị Huyền là một trong những hộ dân kinh doanh ăn uống ở bờ biển Cồn Ngoài này nhiều năm nay. Từ khi Cồn Ngoài được UBND tỉnh công nhận là điểm DL mới của tỉnh và chính thức có chủ trương đầu tư, khai thác, gia đình chị Huyền thêm phấn khởi, bắt đầu tìm tòi, học cách làm DL bài bản hơn.
Ngoài quán ăn phục vụ các món ẩm thực, hải sản xứ biển Ba Tri, chị Huyền đưa khách đi chèo xuồng vào khu vực đầm của gia đình để trải nghiệm câu cá, gỡ lú, bắt tôm, cua, cá… Cùng với hộ chị Huyền kinh doanh ăn uống, điểm dừng chân thì một số hộ dân trồng rau màu ở ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận cũng tham gia vào đường tour mới, đón khách đến tham quan, thu hoạch nông sản trên đất nhà.
Vừa niềm nở dẫn khách ra ruộng củ cải trắng đang thu hoạch, anh Trần Văn Trong (lao động vần công) vừa kể chuyện trồng màu và đời sống của người dân vùng này. Sự chân chất, thiệt tình của người dân vùng biển là điểm nhấn cuốn hút những người khách thành thị lần đầu trải nghiệm những điều mới mẻ.
Ở xã biển Bảo Thuận, ngoài đi biển, người dân nơi đây đa số trồng rau màu với các loại cây ngắn ngày như bầu, bí, củ cải, củ sắn, rau cải hoặc nuôi tôm, cua, nghêu… Làm nông mỗi năm đôi ba vụ nhưng thu nhập không ổn định, tùy thuộc lúc trúng hay thất mùa. Việc đưa nông nghiệp vào khai thác DL là hướng đi hiệu quả vừa tạo nên sản phẩm DL đặc thù của địa phương, mang lại trải nghiệm mới lạ cho du khách, vừa gia tăng giá trị nông sản, có lợi cho nông dân. Giải pháp này cũng được người dân địa phương phấn khởi ủng hộ. Ông Mai Văn Nhính (chủ ruộng củ cải trắng) cho biết: Với 1.500m2 đất, mỗi năm nhà ông làm được khoảng 3 vụ củ cải trắng, nếu trúng mùa thì thu hoạch từ 7 - 8 tấn, được giá thì 7 ngàn đồng/kg bán cho thương lái nhưng nếu thất mùa thì giá chỉ 4 ngàn đồng/kg, thiếu tiền phân bón. Nay đón khách tới nhà chơi, trải nghiệm, ông thiệt tình chia sẻ những chuyện thường ngày, tiếp chuyện với khách. Một số khách ngỏ ý mua thêm củ cải trắng đã thu hoạch ở ruộng nhà ông.
Quan tâm đầu tư bài bản
Thực hiện chủ trương phát triển DL chung của tỉnh và huyện, xã Bảo Thuận đã có kế hoạch cụ thể và phân kỳ thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025. Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận Khổng Minh Tặng cho biết: Định hướng chung của xã về phát triển DL chủ yếu là tắm biển, tham quan rừng sinh thái, tham gia các dịch vụ, ẩm thực xứ biển, trải nghiệm trồng rau màu hữu cơ. Nếu có điều kiện thì người dân có thể phát triển các loại hình homestay, lưu trú. Xã cũng đã tuyên truyền, vận động người dân cùng làm DL. Nhiều hộ dân đồng tình cao, đưa khu vực trồng màu ven biển vào khai thác DL. Một số hộ phối hợp khai thác loại hình câu cá, chèo xuồng, phục vụ ẩm thực.
Theo ông Lê Văn Gấm, công chức văn hóa - xã hội xã Bảo Thuận, người dân ở đây hiểu được ích lợi của khai thác DL, góp phần phát triển kinh tế. Nếu trước kia họ còn e ngại thì nay khi Cồn Ngoài đã được công nhận điểm DL mới thì họ mạnh dạn hơn. Bên cạnh tuyên truyền, vận động, chính quyền địa phương phối hợp với ngành chức năng cũng đã tổ chức các chương trình tập huấn cho các hộ dân có ý định làm DL ở Cồn Ngoài, trang bị cho người dân kiến thức làm DL, hướng dẫn họ nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan, xây dựng giá cả dịch vụ hợp lý.
Là đơn vị tham gia phối hợp với UBND huyện Ba Tri gầy dựng đường tour DL mới cho Cồn Ngoài, homestay Maison du Pays de Bến Tre đã đưa những vị khách đầu tiên tham gia tour “Hương biển quyện phù sa” đến với Cồn Ngoài. Anh Quách Duy Thịnh (chủ homestay) cho biết: Được gợi ý của UBND huyện Ba Tri, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, xã Bảo Thuận, Maison du Pays de Bến Tre thực hiện chương trình trải nghiệm nông nghiệp và cuộc sống của người dân bản địa ở Bảo Thuận. Khi đưa những vị khách đầu tiên trải nghiệm đường tour mới, chúng tôi cũng lưu ý xem phản ứng của du khách để kịp thời điều chỉnh, bổ sung. Đơn vị đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất nhiều từ chính quyền địa phương giúp gắn kết các hộ dân, tạo dựng điểm đến, người dân địa phương nhiệt tình và có ý muốn tham gia làm DL.
Sự chuyển biến bước đầu của DL ở xã biển Bảo Thuận thể hiện rõ khi có sự vào cuộc thúc đẩy của Nhà nước và đơn vị chuyên môn. Chị Lâm Thúy Huyền cho biết: “Trước giờ quán chỉ kinh doanh hải sản, các món ăn xứ biển nay mở ra thêm dịch vụ DL trải nghiệm cho khách thì tôi thấy khách cũng ưa chuộng. Chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn nấu ăn, DL. Nhờ vậy, mình học hỏi thêm. Hướng tới, chúng tôi sẽ mở thêm homestay để khách trải nghiệm hoạt động ở biển vào ban đêm”.
Đường tour DL trải nghiệm mới ở Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận đang đón nhận những phản hồi tích cực từ du khách trong và ngoài tỉnh. Từ những sản phẩm nông sản bình dị, người làm DL đang nỗ lực đưa giá trị văn hóa bản địa đến với du khách gần xa. Chị Trần Thị Bích Sơn (du khách TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tôi thấy sản phẩm ở đây ấn tượng, mới lạ tôi chưa trải nghiệm qua, tự tay nhổ củ cải, củ sắn, bắt nghêu... Biển Bảo Thuận còn hoang sơ nhưng người dân thì nhiệt tình, niềm nở, mang lại trải nghiệm rất thú vị cho chúng tôi”.
“Cồn Ngoài có nhiều tiềm năng phát triển DL nông nghiệp, DL cộng đồng. Hơn nữa, điểm đến của chúng tôi nằm trên tuyến hành trình có nhiều điểm di tích như Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định (huyện Giồng Trôm), di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu (xã An Đức) và nhiều di tích như mộ cụ Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản (xã Bảo Thạnh), di tích Cây da đôi (xã Tân Xuân). Các điểm này sẽ kết nối tạo thành đường tour trải nghiệm văn hóa đặc thù của Ba Tri nói riêng và Bến Tre nói chung”.
(Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận Khổng Minh Tặng)
|
Bài, ảnh: Thanh Đồng