
Tuân thủ nghiêm “5K” trong điều kiện cách ly sản xuất. Ảnh: Phan Hân
Tăng cường các biện pháp
Tại huyện Giồng Trôm, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 29-11-2021, huyện ghi nhận tổng cộng 669 ca F0; trong đó, tử vong 2 ca, ra viện 141 ca. Huyện đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm các vùng nguy cơ, kịp thời phát hiện các ca dương tính Covid-19 và được đưa vào cách ly điều trị. Tổng số ca hiện đang cách ly tại khu cách ly tập trung (F0, F1) và cách ly tại nhà 1.810 ca. Đối với việc tiêm ngừa vắc-xin, huyện triển khai ngay sau khi được tiếp nhận vắc-xin. Đến nay, có trên 92,4 ngàn người đủ 18 tuổi trở lên được tiêm, đạt tỷ lệ 56,21%, trong đó, trên 14,1 ngàn người tiêm mũi 2.
Huyện tăng cường, tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch phù hợp, đồng bộ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và của Huyện ủy. UBND huyện thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn chuyên môn của ngành y tế về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Triển khai nhanh việc mua sắm trang bị thiết bị phục vụ chống dịch; thực hiện nghiêm túc công tác dự phòng, kiểm soát dịch bệnh, tổ chức thực hiện quy trình truy vết, cách ly, điều trị. Chú trọng thực hiện các biện pháp để ổn định tình hình, vận động các nguồn lực để chăm lo đời sống của nhân dân, nhất là đối với gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và các lực lượng tuyến đầu làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19. Thực hiện quyết liệt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa khẩn trương khôi phục, phát triển kinh tế.
Với tình hình dịch bệnh phức tạp, UBND TP. Bến Tre đã xây dựng phương án thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo cấp độ 3. Theo đó, tiếp tục tạm dừng các giải thi đấu thể thao, hoạt động vui chơi giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hội chợ, triển lãm sự kiện có tập trung đông người. Tại cơ quan, công sở, bố trí số lượng người làm việc 50%, tăng cường làm việc trực tuyến. Các hoạt động hội họp, tập huấn, hội thảo, đám cưới, đám giỗ được phép hoạt động, nhưng không quá 20 người trong cùng một thời điểm và người tham gia phải tuân thủ nghiêm “5K”.
Đối với các hoạt động vận chuyển hành khách sẽ tạm dừng cho đến khi có thông báo mới. Đồng thời, thành phố thực hiện xét nghiệm các trường hợp người dân khi có một trong các triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở... Xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan y tế thực hiện tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị. Đối với các nhóm nguy cơ (các trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người) như: lái xe, người chạy xe mô tô chở khách (xe ôm), người giao hàng hóa (shipper)... Tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở sẽ định kỳ tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao.
Cân bằng, linh hoạt giữa 2 nhiệm vụ
Giám đốc Sở Y tế Ngô Văn Tán cho biết: Quan điểm thống nhất của Sở Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 tỉnh trong công tác phòng trị Covid-19 đều phải từ xa. Trong giai đoạn hiện nay, mỗi đơn vị phải thực hiện song hành nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế. Do đó, cần có biện pháp linh hoạt, phù hợp cân bằng giữa 2 nhiệm vụ. Về góc độ của ngành chuyên môn, trực tiếp trong công tác phòng chống dịch, ngành y tế đã có cuộc chỉnh quân để dốc lực cho nhiệm vụ mới có thể cam go và trường kỳ hơn.
Theo Giám đốc Sở Y tế Ngô Văn Tán, không riêng ngành y tế mà tất cả các ngành, lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội phải có những chấn chỉnh và có biện pháp thích ứng trong điều kiện cụ thể của đơn vị. Trong đó, ý thức của từng cụm dân cư, khu dân cư và của lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương, công ty, doanh nghiệp là quan trọng. Từng tổ nhân dân tự quản, tổ dân phố phải nắm được những công dân ngoài tỉnh về để khai báo y tế. Cùng với đó, khi có sự tiếp cận của y tế, triển khai nhanh xét nghiệm tầm soát sẽ chẩn đoán những dấu hiệu nghi ngờ, phát hiện, xử lý ngay, góp phần kiểm soát lây lan.
“Vận dụng tốt “4 tại chỗ”, từng đơn vị, địa phương có thể điều chỉnh được các hoạt động tại cơ sở. Mỗi đơn vị phải linh hoạt, kiểm soát tình hình với những biện pháp có thể, góp phần kiềm chế F0 trong khả năng của đơn vị nhưng không vi phạm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế về chủ động, linh hoạt triển khai thực hiện. Với điều kiện tuân thủ nghiêm túc “5K” và kiểm soát các hành vi có khả năng lây nhiễm thì vẫn có thể phát triển kinh tế trong cách ly”, Giám đốc Sở Y tế Ngô Văn Tán chia sẻ.
Hàng loạt ca nhiễm ghi nhận gần 2 tuần gần đây đều liên quan đến các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp đã gây tâm lý lo ngại không chỉ công nhân trong các nhà máy mà còn cả gia đình công nhân và cộng đồng. Hiện nay, tình hình dịch có chiều hướng xấu đi, tỉnh vẫn đang tiếp tục kiểm soát bằng các biện pháp tăng cường.
“Nhiệm vụ của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương phải giữ được trạng thái mức độ dịch cấp độ 2 và cố gắng đạt được cấp độ 1. Không được coi nhẹ công tác phòng chống dịch, tránh tình trạng lo lắng thái quá mà phải bình tĩnh kiểm soát tình hình. Để đảm bảo công tác vừa chống dịch vừa sản xuất, cần sự đoàn kết thống nhất của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp để cộng đồng thực hiện biện pháp phòng dịch mạnh hơn, chặt chẽ hơn thì công tác phòng dịch mới hiệu quả hơn”.
(Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ - Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh)
|
Phan Hân - Thanh Đồng - Ánh Nguyệt