Phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội

27/12/2023 - 06:27

BDK - Qua 2 năm thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (24-11-2021) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc chăm lo phát triển văn hóa, con người Bến Tre đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện việc xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện; gia đình hạnh phúc, tiến bộ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện việc xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện; gia đình hạnh phúc, tiến bộ.

Đồng bộ giữa phát triển văn hóa và kinh tế

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện các nội dung Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Tăng cường lãnh đạo, bảo đảm sự đồng bộ giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế; trong đó, công tác phát triển văn hóa được chú trọng thực hiện với kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của cấp ủy trên lĩnh vực văn hóa.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, tỉnh, UBND các huyện, thành phố chú trọng chỉ đạo, quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao trong lễ hội đảm bảo thiết thực, hiệu quả, an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa dân tộc và thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.

Tỉnh đã, đang và tiếp tục thực hiện các đề án, dự án bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản, di tích lịch sử - văn hóa gắn với phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là định hướng xây dựng ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 78 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 16 di tích cấp quốc gia và 60 di tích cấp tỉnh; 4 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 2 di sản được UNESCO ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, nghi lễ và trò chơi kéo co); có 57 làng nghề, trong đó có 20 làng nghề truyền thống.

Nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ nhân dân được tổ chức nhằm nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, ý thức thẩm mỹ cho nhân dân. Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển khá phong phú, sôi nổi về hình thức, đa dạng về thể loại (có trên 950 đội, nhóm, câu lạc bộ ca nhạc và đờn ca tài tử tại xóm ấp, khu phố). Một số đề tài văn hóa phi vật thể của địa phương cũng được quan tâm bảo tồn; văn hóa, văn học dân gian khá phong phú về thể loại (đặc sắc là điệu hát sắc bùa Phú Lễ, nói thơ Vân Tiên…). Từ đó khẳng định rằng trong mỗi giai đoạn lịch sử, người dân Bến Tre đều có sự sáng tạo nên những thang bậc giá trị văn hóa mới, sức mạnh tinh thần mới, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa.

Xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; Kết luận số 76-KL/TW ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước…

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư thực hiện việc xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện; gia đình hạnh phúc, tiến bộ theo Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 2854/KH-UBND của UBND tỉnh gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước, tập trung tham mưu triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động văn hóa trên địa bàn. Chú trọng triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; tổ chức hiệu quả, có chiều sâu các hoạt động về công tác gia đình.

Nâng cao sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong việc ngăn chặn tình trạng xuống cấp của các di tích lịch sử, di sản văn hóa của dân tộc; đầu tư đồng bộ, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu. Quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy đội ngũ làm công tác văn hóa, gia đình. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho lĩnh vực văn hóa, ưu tiên nguồn lực cho các địa phương còn nhiều khó khăn.

Từng bước xây dựng môi trường văn hóa số, đưa văn hóa số vào đời sống xã hội, giúp người dân được tiếp cận lĩnh vực văn hóa, văn nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, nâng cao nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân…

Bài, ảnh: Phương Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN