Xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện, gia đình hạnh phúc, tiến bộ

17/11/2023 - 10:21

BDK - Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU về xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện; gia đình hạnh phúc, tiến bộ đã góp phần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư trong việc phát triển sự nghiệp văn hóa, xây dựng và phát triển con người Bến Tre toàn diện; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và địa phương.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng điều hành tọa đàm.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng điều hành tọa đàm.

Chuyển biến tích cực về nhận thức

Quán triệt Nghị quyết số 05-NQ/TU, các đơn vị, địa phương đã quan tâm và đưa nội dung “xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện” vào chương trình, kế hoạch, nghị quyết để triển khai thực hiện, gắn với phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, các hoạt động giáo dục truyền thống thông qua việc tổ chức các ngày kỷ niệm, các sự kiện lịch sử, văn hóa của đất nước, của tỉnh.

Công tác tuyên truyền được đặc biệt chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức, phương thức tuyên truyền phong phú; lồng ghép thực hiện các danh hiệu trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; tổ chức hoạt động thể dục thể thao, chiếu phim tuyên truyền, văn hóa văn nghệ tại các thiết chế văn hóa, các cuộc thi sử dụng các loại hình nghệ thuật…

Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, nhân cách, lối sống của người Bến Tre, nhân rộng các điển hình, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân. Tuyên truyền gương điển hình trong phong trào thi đua “Đồng khởi mới” nói riêng và trong toàn xã hội. Chú trọng việc tuyên truyền thực hiện quy định pháp luật về quyền con người và trách nhiệm công dân, nhất là đối với thế hệ trẻ thông qua việc kết hợp chặt chẽ 3 môi trường giáo dục là gia đình, nhà trường và xã hội.

Qua đó đã góp phần tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức, sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị và nhân dân phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ. Nhận thức của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác xây dựng con người phát triển toàn diện gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ và môi trường văn hóa lành mạnh được củng cố, nâng lên. Hệ giá trị con người Bến Tre hình thành cơ bản với các đức tính: yêu nước, yêu quê hương, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, tự tin, có khát vọng vươn lên, kính trên nhường dưới, chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc; có trách nhiệm với xã hội, chia sẻ cộng đồng và ý thức chấp hành pháp luật. Công tác xây dựng gia đình được tập trung thực hiện với các hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Môi trường văn hóa, giáo dục được quan tâm đồng bộ từ gia đình đến nhà trường, xã hội. Di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được giữ gìn, bảo tồn, đầu tư tôn tạo và ngày càng phát huy các giá trị. Hoạt động văn hóa truyền thống được duy trì, phát triển. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cũng đã đạt được kết quả tích cực với nhiều mô hình, sáng kiến được áp dụng hiệu quả tại các địa phương, cơ quan, đơn vị, tạo sự lan tỏa trong xã hội. Các hoạt động sáng tác, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật được quan tâm, có tiến bộ, góp phần xây dựng con người và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Cần sự chung tay

Theo Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Thị Kiều Tôn, con người là chủ thể của mọi sự phát triển, còn văn hóa tạo ra hệ thống các giá trị chuẩn mực, từ đó hình thành nên phẩm chất con người. Xây dựng nhân cách con người và đạo đức xã hội là mang tính định tính, thấm dần, là quá trình cộng đồng chuyển động từ nhận thức, ý thức cho đến hành động để tạo nên các giá trị tốt đẹp. Do vậy, rất cần sự chung tay vào cuộc của toàn hệ thống chính trị để người dân cảm nhận được hệ giá trị cốt lõi về con người Bến Tre hiện hữu ngay cuộc sống đời thường, trong lao động, sinh hoạt, giao tiếp ứng xử hàng ngày.

Việc phát triển toàn diện con người Bến Tre phải gắn với xây dựng 3 môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội. Bên cạnh đó cũng cần xây dựng hình mẫu người cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức công vụ trong sáng, phải thật sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, tận tụy với công việc, giỏi chuyên môn, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa gia đình, trọng tâm là gia đình hạnh phúc, tiến bộ, giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ. Phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, xây dựng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau, kính trên nhường dưới, có ý thức tự trọng, tự chủ, năng động, sáng tạo, nâng cao trách nhiệm cá nhân đối với gia đình và xã hội.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Bé Hai cho biết: Xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện đặt ra yêu cầu đặc biệt quan trọng cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu đề ra, ngành giáo dục và đào tạo chú trọng xây dựng môi trường văn hóa giáo dục lành mạnh. Trong đó giáo dục đạo đức, pháp luật, kỹ năng sống, giao tiếp ứng xử văn hóa cho học sinh ngay từ các lớp mầm non. Mỗi thầy, cô phải thật sự là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, thể hiện vai trò mẫu mực của nhà giáo để các thế hệ học sinh noi theo.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng đề nghị các cấp, ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, thực hiện đồng bộ 9 nhiệm vụ giải pháp về xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện; gia đình hạnh phúc, tiến bộ. Duy trì, phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, sự vào cuộc của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh các phong trào, cuộc vận động xây dựng gia đình, xây dựng đời sống văn hóa, đưa Nghị quyết số 05-NQ/TU đi vào cuộc sống bằng việc làm, hành động thiết thực.

Tăng cường đầu tư cho hoạt động xây dựng thiết chế văn hóa, con người, gia đình tương ứng với đầu tư phát triển kinh tế cả về ngân sách và nhân lực. Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực để phát triển xã hội, đẩy mạnh việc bảo tồn, khai thác yếu tố truyền thống và những cái hay, cái mới phù hợp văn hóa dân tộc để phát huy, góp phần xây dựng chuẩn mực phù hợp truyền thống và xu thế chung.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN