Phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

31/05/2023 - 08:37

BDK.VN - Những năm gần đây, bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi (thuốc lào), trên thị trường đã và đang xuất hiện các sản phẩm mới, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử - TLĐT (Electronic Nicotine Delivery - ENDs) và thuốc lá nung nóng - TLNN (Heated Tobacco Product - HTPs). Hiện nay, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không quy định về các sản phẩm TLĐT, TLNN, vì vậy các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.

Thuốc lá điện tử không những không giúp cai thuốc lá mà còn khiến người chưa hút thuốc trở thành nghiện Nicotin. Ảnh: chinhphu.vn

Thuốc lá điện tử không những không giúp cai thuốc lá mà còn khiến người chưa hút thuốc trở thành nghiện Nicotin. Ảnh: chinhphu.vn

Đặc tính của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

TLĐT (ENDs) là thiết bị sử dụng pin làm nóng dung dịch điện tử (E-Liquid) để tạo ra sol khí (khói) cho người dùng hít vào, chứa chất tạo mùi, hòa tan trong Propylene Glycol hoặc/và Glycerin. Thành phần chính của dung dịch điện tử, bên cạnh Nicotin, còn có Propylene Glycol và các chất tạo hương vị.

Có ít nhất 60 hợp chất hóa học đã được tìm thấy trong dung dịch TLĐT (còn gọi là tinh dầu) và nhiều hợp chất khác có trong sol khí/khói tạo ra từ TLĐT. Nicotine là một chất gây nghiện cao, gây tăng nhịp tim, co thắt mạch máu ở tim, tăng mạch và huyết áp. Nicotin còn ảnh hưởng đến sự phát triển và di căn của khối u và có khả năng thúc đẩy, hình thành các khối u.

Thành phần của dung dịch TLĐT còn có Glycerin, Propylene Glycol. Propylene Glycol có thể tạo thành Propylene Oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Glycerin khi được đun nóng và hóa hơi tạo thành Acrolein, gây kích ứng đường hô hấp trên. Các chất độc hại được tìm thấy trong khói của TLĐT như Ethylene Glycol, Diethylene Glycol, Aldehydes, Hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs), hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) như Toluene, Nitrosamine, Hydrocarbon thơm đa vòng, chất đặc biệt gây ung thư Nitrosamines, Acrolein, Formaldehyde, Hydrooxycarbonyls, Acetaldehyde, Polycyclic Aromatic Hydrocarbons, phân tử Ultrafine... Một số kim loại như chì, bạc, Crom, Nikel, Formaldehyde có hàm lượng tương đương hoặc cao hơn so với thuốc lá thông thường.

Để tạo mùi vị hấp dẫn, thu hút người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ, các nhà sản xuất còn sử dụng rất nhiều loại hương liệu có mùi vị như: bạc hà, táo, cam, chanh... trong TLĐT. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 20 ngàn loại hương liệu, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe. Những hương vị này có thể che giấu độ gắt của Nicotin làm cho sản phẩm dễ chịu hơn, dễ hít vào hơn. Một số hương liệu được sử dụng trong ENDS đã được chứng minh là làm tăng độc tính của sản phẩm. Ngoài ra, việc làm nóng các cuộn dây kim loại trong ENDS sẽ tạo ra nhiều kim loại nặng trong sol khí ENDS như Cadmium, chì, Niken, thiếc, Mangan, Selen, kẽm và đồng.

TLNN (HTPs) là sản phẩm sử dụng thiết bị điện tử nung nóng điếu thuốc đến nhiệt độ đủ để tạo ra khói có thể hít vào, có chứa Nicotin - chất gây nghiện cao và các hóa chất khác, các chất phụ gia không phải thuốc lá và thường có nhiều hương vị.

WHO đã có khuyến cáo: TLNN tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Dù được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá như: Acrolein (chất gây kích ứng đường hô hấp mạnh), Glycidol, Formaldehyde và Acetaldehyde (chất gây ung thư), Carbon Monoxide, Hydrocarbon thơm đa vòng và các kim loại (nhôm, Titan, Stronti, Molypden, thiếc và Antimon).

Tác hại khôn lường

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng ENDS ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng và các vấn đề sức khỏe khác bao gồm các triệu chứng tiêu hóa, phổ biến nhất là đau vùng thượng vị, buồn nôn và nôn, tiêu chảy và xuất huyết tiêu hóa. Hậu quả nổi bật nhất của ENDS là EVALI. Tại Mỹ, ít nhất 2.807 trường hợp nhập viện và 68 trường hợp tử vong đã được xác nhận do EVALI cho đến tháng 2-2020. Tại Việt Nam, thời gian gần đây, số trường hợp ngộ độc do sử dụng TLĐT đã được ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp xảy ra ở lứa tuổi học sinh, trong đó có cả nữ giới.

Theo WHO, phơi nhiễm nicotine tác động bất lợi cho sức khỏe bà mẹ và bào thai trong thời kì thai nghén, gây ra đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, gây hậu quả nghiêm trọng kéo dài đối với sự phát triển não bộ bào thai, trẻ em và vị thành niên. Nicotine có thể đi qua nhau thai và tác động lên sự phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ. Do đó, phơi nhiễm với Nicotin ở phụ nữ có thai có thể dẫn đến nhiều hậu quả, bao gồm hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh hay những dị tật thính giác và béo phì.

Để hạn chế tác hại của TLĐT, TLNN, vừa qua, Bộ Y tế đã có Công văn số 2633/BYT-KCB ngày 4-5-2023 về việc tăng cường truyền thông về tác hại của TLĐT, TLNN, Shisha; kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh TLĐT, TLNN. Trên cơ sở đó, ngày 12-5-2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2715/UBND-KGVX chỉ đạo tăng cường tuyên truyền về tác hại của TLĐT, TLNN, Shisha; kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh TLĐT, TLNN.

 Trương Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN