Phụ nữ hiện đại làm chủ công nghệ số

05/04/2023 - 05:30

BDK - Phụ nữ ngày nay đã làm chủ và khẳng định vai trò, bản lĩnh của mình trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh của xã hội. Với những phụ nữ hiện đại, công nghệ số (CNS) đã trở thành công cụ giúp họ phát triển bản thân, làm giàu cuộc sống.

Cán bộ hội phụ nữ tập huấn sử dụng phần mềm quản lý điều hành văn bản. Ảnh: CTV

Cán bộ hội phụ nữ tập huấn sử dụng phần mềm quản lý điều hành văn bản. Ảnh: CTV

Khởi nghiệp với công nghệ số

Để ổn định và phát triển cuộc sống sau khi lập gia đình, chị Thạch Quế Phương, Khu phố 4, thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam đã chọn tổ chức kinh doanh quán cà phê tại quê nhà. Quán cà phê UMI Tea & Coffee của chị Quế Phương đã mạnh dạn áp dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (như: quẹt mã, chuyển khoản). Đồng thời, mở rộng hoạt động của quán trên mạng xã hội, dùng mạng xã hội như là kênh quảng bá quán cà phê, tương tác và thu hút khách hàng.

Công nghệ cũng giúp chị Quế Phương quản lý hoạt động của quán ngay cả khi không trực tiếp ở tại quán. Theo chị Quế Phương chia sẻ, bản thân chị cũng là người thường xuyên áp dụng phương thức thanh toán trực tuyến khi đi giao dịch, mua sắm vì tiện lợi và phù hợp với xu thế phát triển CNS hiện nay. Chị Phương nhận định, hầu hết, các khách hàng của chị đều ủng hộ cách làm trên và rất nhiều khách đã thực hiện thanh toán trực tuyến. Một số ít khách chưa quen thì sẽ thực hiện bằng hình thức trả tiền mặt và được nhân viên của quán hướng dẫn cài đặt để thanh toán trực tuyến.

Theo chị Phương, áp dụng CNS hoạt động kinh doanh đã giúp việc quản lý quán của chị thuận lợi, đạt hiệu quả và mang tính hiện đại hơn. Hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh cũng đang hướng tới áp dụng CNS như thế.

Cũng lựa chọn con đường khởi nghiệp, lập nghiệp, chị Nguyễn Băng Nhi (Mỏ Cày Nam) là một gương mặt nữ trẻ khởi nghiệp của tỉnh với sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa. CNS hỗ trợ rất nhiều cho quá trình khởi nghiệp của chị. Băng Nhi cho biết: “CNS là công cụ bắt buộc không thể thiếu đối với khởi nghiệp, đặc biệt trong khởi nghiệp tinh gọn. Trong công việc của mình, tôi ứng dụng CNS để xây dựng website, đăng tải hình ảnh và thông tin sản phẩm mà tôi làm ra. Đó như là một bộ mặt của doanh nghiệp. Trên website, khách hàng có thể xem hình ảnh sản phẩm, thông tin sản phẩm chi tiết. Nhờ đó, tôi có được sự tin tưởng của khách hàng dành cho sản phẩm. Hoạt động marketing cũng rất hiệu quả khi tôi ứng dụng CNS, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, xác định được khách hàng mục tiêu để tìm kiếm khách hàng tiềm năng, mang lại doanh số hiệu quả”.

Công nghệ phục vụ cuộc sống

Hay với chị Nguyễn Ánh Quỳnh, ở huyện Chợ Lách, CNS được vận dụng thường xuyên trong hoạt động hàng ngày của chị. Từ trao đổi thông tin, nhất là thông tin giá cả trong hoạt động mua, bán, sản xuất, tiếp nhận thông tin của chính quyền địa phương thông qua các nhóm Zalo, Facebook cho đến liên hệ nhanh chóng với người thân, bạn bè. Không còn những bỡ ngỡ, vụng về ban đầu, hiện chị Ánh Quỳnh tiếp cận thông tin, xử lý thao tác kỹ thuật nhuần nhuyễn hơn. Nhờ vậy, trong xử lý công việc và cuộc sống trở nên dễ dàng, thuận lợi, đỡ mất thời gian hơn.

Chị Nguyễn Thị Diễm Phúc, giáo viên Trường Tiểu học Long Định, huyện Bình Đại cho biết: “Nhờ việc ứng dụng CNS mà các tài liệu học tập của học sinh được phong phú hơn, công tác giảng dạy cũng được triển khai hiệu quả, giáo viên có thể khai thác thư viện giáo án trực tuyến và sử dụng hiệu quả. CNS đã tạo ra bước đột phá trong hoạt động dạy và học”.

Khi sử dụng CNS vào việc dạy và học, học sinh được nghiên cứu trước tài liệu và cơ bản sẽ nắm bắt được nội dung bài trước khi lên lớp. Trong tiết dạy, với những hình ảnh miêu tả trực quan sinh động qua máy tính hoặc màn chiếu, học sinh tiếp thu bài nhanh hơn, giáo viên trở thành người hướng dẫn, giúp các em khai mở kiến thức.

Để giáo viên phát huy vai trò “đầu tàu” trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, Sở Giáo dục và Đào tạo đã bồi dưỡng, khuyến khích giáo viên chủ động học tập, nâng cao kỹ năng tin học, ngoại ngữ, nhằm đảm bảo ứng dụng tốt công nghệ trong dạy học. Các cơ sở giáo dục đã trang bị hệ thống máy tính kết nối mạng. Tuy nhiên, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Giáo viên phải luôn tư duy, sáng tạo, chủ động và linh hoạt trong việc tương tác, thích ứng và xây dựng tiết học dưới sự hỗ trợ của công nghệ.

Chị Phạm Thị Gấm (phường An Hội, TP. Bến Tre) sớm tiếp cận xu thế hiện đại. Theo chị Gấm, khi mọi người có kiến thức về công nghệ, có thể nghiên cứu, khai thác, góp phần tăng thu nhập cho mình. Là công chức nhà nước, ngoài thời gian hành chính, chị thường đăng bài và hình ảnh phụ chồng bán hải sản. Nhờ đó, chị giúp gia đình kết nối nhiều khách hàng. Chia sẻ về mô hình kinh doanh của mình, chị Gấm nói: “Khi mà CNS lên ngôi, thì mình phải vươn lên tiếp cận không chỉ phục vụ cho việc kinh doanh mà còn nhiều việc khác để giúp chị em phụ nữ phát triển toàn diện”.

Cùng với quan niệm của những phụ nữ hiện đại, chị Phạm Thị Quỳnh Anh (công chức nhà nước) vốn được hội chị em đánh giá là “phụ nữ 2 giỏi”. Sau giờ làm việc, chị bổ trợ kiến thức cho bản thân qua các app học tiếng Anh online. Chị tận dụng thời gian buổi tối để tham gia các khóa học nuôi dạy con. Qua đó, chị được trao đổi các chuyên gia về vấn đề chăm sóc thể chất và tâm hồn cho con trẻ. Hơn hết, ở đó, chị có thêm những kỹ năng, những bài học chữa lành tâm trí để hoàn thiện bản thân, dần khẳng định giá trị của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Phụ nữ hiện đại ngày nay đang ngày càng tự tin nắm bắt và làm chủ CNS không chỉ cho những hoạt động trong đời sống xã hội thường nhật mà còn trong công việc và khởi nghiệp kinh doanh, tạo ra nguồn thu nhập kinh tế cho bản thân và gia đình. Đảm đương nhiều vai trò trong cuộc sống, CNS giúp phụ nữ làm được nhiều việc hơn, không ngừng học hỏi, giao tiếp xã hội để phát triển bản thân mình và sống hạnh phúc.

(còn tiếp)

Th. Đồng - Ph. Hân - A. Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN