Phụ nữ tỉnh năng động, tích cực chuyển đổi số

11/03/2024 - 06:40

BDK - Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động hội là một trong 2 khâu đột phá được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh chọn thực hiện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác hội nhiệm kỳ 2021 - 2026. Bước vào nửa sau của nhiệm kỳ, các kết quả đạt được từ đẩy mạnh ứng dụng CNTT, công nghệ số đã làm thay đổi đáng kể chất lượng công tác hội và phong trào phụ nữ tỉnh nhà.

Tổ phụ nữ pháp luật và chuyển đổi số Phường 6, TP. Bến Tre hỗ trợ người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Ảnh: CTV

Tổ phụ nữ pháp luật và chuyển đổi số Phường 6, TP. Bến Tre hỗ trợ người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Ảnh: CTV

Những kết quả nổi bật

Việc chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về ứng dụng CNTT trong hoạt động hội đã mang lại những chuyển biến rõ rệt. Tổ chức hội cấp tỉnh cũng duy trì và nâng chất lượng hoạt động của trang thông tin điện tử với địa chỉ phunuxudua.bentre.vn và cập nhật thông tin thường xuyên trên trang Fanpage Hội LHPN tỉnh. Trung bình cập nhật tin, bài hàng ngày, thu hút trên 90 ngàn lượt tương tác. Ngoài ra, còn thúc đẩy hoạt động các nhóm làm việc trên ứng dụng Zalo, giúp cho công tác thông tin, tuyên truyền, kết nối nhanh chóng, thông suốt. Đến nay, 100% tổ chức hội cấp huyện, cơ sở đều thành lập Fanpage tuyên truyền, các nhóm Zalo thông tin, kết nối, hỗ trợ hội viên, nhất là phụ nữ đi làm ăn xa một cách hiệu quả.

Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức số được tổ chức hội thường xuyên phối hợp với các đơn vị viễn thông thực hiện với các hình thức như tập huấn về chuyển đổi số (CĐS), kiến thức kinh doanh số, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, bán hàng online… Qua đó, giúp chị em có kỹ năng quản lý, sử dụng hiệu quả mạng xã hội, ứng dụng CNTT thúc đẩy mở rộng mạng lưới khách hàng, phát triển kinh doanh. Hội LHPN cấp tỉnh, huyện, thành phố luôn quan tâm cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về CĐS, ứng dụng CNTT. Hầu hết cán bộ hội đáp ứng được yêu cầu của môi trường làm việc hiện đại.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay việc đầu tư mua sắm, hỗ trợ máy tính và các thiết bị cho cán bộ hội từ tỉnh đến cơ sở cơ bản đáp ứng, phục vụ tốt cho công tác chuyên môn. Đến cuối năm 2023, còn khoảng 5% trên tổng số cơ sở chưa có máy tính riêng hoặc còn sử dụng máy tính cũ, chưa đáp ứng nhu cầu. Theo Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Đỗ Thị Huệ Anh, với số máy tính còn thiếu này, các đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc trang bị để đến cuối năm 2024 đạt 100% Hội LHPN cơ sở được trang bị máy tính có kết nối mạng và ứng dụng các phần mềm triển khai trong hệ thống hội.

Hiện nay, đa số cán bộ hội các xã, phường trong tỉnh đều có kiến thức về tin học, sử dụng thành thạo máy vi tính, đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ trong tình hình mới. Đây là nguồn nhân lực quan trọng cho hoạt động CĐS của các cấp hội, có khả năng tiếp cận tương đối nhanh và làm chủ ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động nhiệm vụ hội.

Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Đỗ Thị Huệ Anh cho biết: Có thể thấy việc ứng dụng CNTT, ứng dụng số bước đầu đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hội và phong trào phụ nữ tỉnh. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, không ngừng học hỏi, tiếp cận tri thức mới của cán bộ, hội viên, phụ nữ tỉnh nhà.

Trước những khó khăn khi vẫn còn đó một bộ phận hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa còn gặp phải nhiều rào cản, không có điều kiện trang bị điện thoại thông minh, khả năng tiếp cận công nghệ, kiến thức, kỹ năng số còn hạn chế. Trong năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã có sáng kiến xây dựng mô hình góp vốn xoay vòng giúp hội viên, phụ nữ mua điện thoại thông minh, góp phần khắc phục những khó khăn hiện tại. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh còn xây dựng thành công mô hình dân vận khéo “Vận động phụ nữ thực hiện chủ trương không dùng tiền mặt hướng đến CĐS”. Mô hình được công nhận mô hình dân vận khéo cấp tỉnh năm 2023.

Phương hướng năm 2024

Năm 2024, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Hội LHPN tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong hoạt động hội. Các cấp hội tập trung đồng bộ các giải pháp xây dựng người phụ nữ Bến Tre phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, tinh thần, năng lực, sáng tạo, ứng dụng thành tựu công nghệ, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Các cấp hội tạo điều kiện cho cán bộ hội tham gia đào tạo về CĐS, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong tổ chức, cung cấp thông tin trên mạng xã hội.

Tiếp tục vận động, tranh thủ các nguồn lực để đầu tư hạ tầng, nền tảng số, đáp ứng yêu cầu CĐS. Xây dựng hệ thống kết nối trực tuyến các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở để tổ chức các cuộc họp theo hướng “không giấy”. Ứng dụng tốt phần mềm phục vụ công tác thi đua, khen thưởng; phần mềm đánh giá chất lượng cơ sở hội, hội viên; từng bước số hóa toàn bộ quy trình quản lý hoạt động của các cấp hội. Quản lý hệ thống dữ liệu nền về hội viên, các cấp hội, phục vụ hiểu quả công tác điều hành, quản lý, nghiên cứu. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông hoạt động hội các cấp trên các nền tảng số, tận dụng mạng xã hội để thông tin kịp thời các nội dung, các hoạt động hội phụ nữ.

Điều này yêu cầu các cấp hội có kỹ năng áp dụng tốt nhất và triển khai có hiệu quả các ứng dụng CNTT vào công việc, nắm bắt thông tin trên mạng xã hội để định hướng kịp thời cho hội viên, phụ nữ. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ về công nghệ số, khuyến khích hội viên phụ nữ chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng số để đáp ứng yêu cầu trong thời đại mới. Vận động sự tham gia và đóng góp của hội viên phụ nữ, tạo ra động lực mới để thúc đẩy phụ nữ ứng dụng CNTT trong khởi nghiệp, nâng cao tiêu chuẩn, năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp phụ nữ tự tin hội nhập và phát triển, góp sức vào sự phát triển chung của tỉnh nhà và đất nước.

Năm 2024 được Trung ương Hội LHPN Việt Nam chọn là năm “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động hội”, Hội LHPT tỉnh đã có kế hoạch thực hiện khâu đột phá “Ứng dụng CNTT trong hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác hội” nhiệm kỳ 2021 - 2026 với các chỉ tiêu theo từng giai đoạn cụ thể.

Một số chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 2024 - 2025 như: 100% cán bộ hội chuyên trách cấp cơ sở được trang bị máy tính riêng. 100% phần mềm quản lý cán bộ, hội viên, phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở được khai thác và sử dụng có hiệu quả. 100% huyện, thành phố và cơ sở có trang mạng xã hội và phát huy hiệu quả mạng xã hội trong công tác tuyên truyền. 100% cán bộ, công chức chuyên trách cấp tỉnh, huyện, thành phố và cơ sở sử dụng thư điện tử, mạng xã hội hoặc phần mềm hệ thống quản lý văn bản trong giải quyết công việc (trừ văn bản mật theo quy định)…

Qua thực hiện khâu đột phá “Ứng dụng CNTT trong hoạt động hội”, đến nay, các hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp cơ bản đã thực hiện trên môi trường mạng, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Việc ứng dụng chữ ký số, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành I-Office, gần 100% văn bản đi, đến đều là văn bản điện tử, góp phần rút ngắn thời gian trao đổi thông tin và tiết kiệm kinh phí.

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN