Phương án dạy học trong tình hình dịch bệnh

10/09/2021 - 06:29

BDK - Dịch bệnh còn diễn biến khó lường và có thể kéo dài. Ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) xác định dạy và học trực tuyến là phương án tình thế phù hợp nhất. Toàn ngành đang nỗ lực để học sinh bắt nhịp với điều kiện học tập trong hoàn cảnh đặc biệt của dịch bệnh.

Giáo viên Trường Tiểu học Tân Thạch B kết nối ôn tập cho học sinh qua phần mềm Zoom.

Giáo viên Trường Tiểu học Tân Thạch B kết nối ôn tập cho học sinh qua phần mềm Zoom.

Dạy học trực tuyến

Ngành GD&ĐT đã có nhiều giải pháp để không làm gián đoạn việc dạy và học của giáo viên (GV), học sinh (HS) trên địa bàn tỉnh. Phương án của Sở GD&ĐT, sau ngày 13-9-2021, các cơ sở giáo dục mầm non tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh học sinh (PHHS) thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý và tổ chức cho trẻ em hoạt động vui chơi tại nhà, không tổ chức học trực tuyến đối với cấp này.

Giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thúy cho biết: Đối với HS lớp 1, lớp 2, các cơ sở giáo dục phối hợp cùng PHHS triển khai giải pháp học tập qua kênh truyền hình VTV7. Lịch phát sóng trực tiếp trên sóng từ ngày 6-9-2021 vào khung giờ 14 giờ 30 phút đến 15 giờ các ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần và được lưu trên ứng dụng VTVGo, kênh YouTube VTV7 và cổng thông tin điện tử vtv7.vtv.vn. Nội dung chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” được thiết kế 56 chủ đề tương ứng với 56 số phát sóng theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn Tiếng Việt lớp 1.

Từ  ngày 13 đến 17-9-2021, đối với môn Tiếng Anh tự chọn lớp 1, 2 và lớp 3, lớp 4 và lớp 5, các trường chủ động linh hoạt, phối hợp với PHHS qua các ứng dụng phổ biến, thông dụng (Facebook, Zalo, Email…) hướng dẫn HS ôn tập ở nhà phù hợp với điều kiện cụ thể và khả năng đáp ứng của gia đình HS. Từ ngày 20-9 đến 1-10-2021, HS lớp 3, 4, 5 xem các tiết hướng dẫn học tập theo chủ đề đối với môn Toán, Tiếng Việt trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre.

Giáo dục THCS và giáo dục THPT, từ ngày 13 đến 18-9-2021, HS ôn tập kiến thức cũ. Riêng đối với lớp đầu cấp lớp 6, lớp 10, HS ôn tập các nội dung kiến thức có tính liên thông đến chương trình cấp học mới để tiếp cận, giới thiệu cách thức học tập, tự học, tự nghiên cứu của cấp học. Từ ngày 20-9 đến 1-10-2021, triển khai thực hiện việc dạy học, HS xem các tiết hướng dẫn học tập theo chủ đề đối với môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và môn Khoa học Tự nhiên trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre. Đối với các môn học còn lại thực hiện hướng dẫn HS tự học, tự nghiên cứu trên cơ sở hướng dẫn của GV bằng hệ thống các học liệu được cung cấp của GV.

Đối với HS lớp 7 - 12, nhà trường căn cứ vào điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương để có chủ trương, định hướng phù hợp cho các tổ chuyên môn, GV thực hiện xây dựng kế hoạch dạy và học trực tuyến qua các hệ thống như: LMS, Google Meet… hoặc qua mạng xã hội như Zalo, Facebook… để hướng dẫn cho HS theo các chủ đề học tập, dành thời gian trực tuyến để hướng dẫn học tập là chủ yếu, ưu tiên các nội dung HS có thể tự học, tự nghiên cứu.

Kết nối học tập

Trên cơ sở phương án của Sở GD&ĐT, hầu hết các trường đã kết nối tạo phòng học trên phần mềm Zoom, gửi bài qua Zalo, Facebook… để ôn tập kiến thức cũ và giúp các HS bắt nhịp, chuẩn bị vào chương trình đầu năm học.

Tại Trường Tiểu học Tân Thạch B (huyện Châu Thành), sau buổi hướng dẫn chuyên môn về việc dạy học trực tuyến, các GV nhanh chóng bắt tay vào công việc. Chỉ trong ngày 7-9-2021, Trường Tiểu học Tân Thạch B đã mở được 15 phòng học online trên Zoom với Google Meet để hỗ trợ HS ôn lại kiến thức cũ. Kết quả, có gần 90% HS lớp 4 và lớp 5 tham gia. Qua 30 phút ôn tập, GV và HS tương tác rất tốt.

Theo thầy Lê Công Phú - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thạch B, thuận lợi của trường là GV trẻ, nhiệt tình, năng động, có tay nghề chuyên môn vững vàng, tiếp cận với công nghệ thông tin tốt. Do đó, việc dạy trực tuyến của GV dễ dàng. Mặt khác, PHHS cũng đồng thuận rất cao với cách học này vì cho rằng sẽ an toàn cho HS khi dịch Covid-19 còn diễn biến trên địa bàn.

Trường Tiểu học Tân Thạch A (huyện Châu Thành) đã linh động lên phương án hỗ trợ các HS chưa có thiết bị phục vụ học trực tuyến. Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thạch A Bùi Kim Thanh Trúc cho biết, hiện trường còn 20% HS chưa có điều kiện học trực tuyến. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các em, trường đã chỉ đạo GV chủ nhiệm tiếp tục giữ liên lạc đến ngày 13-9-2021. Trường sẽ in, photo tài liệu nhờ Tổ Covid cộng đồng đem đến nhà cho các em tự ôn tập.

Các thầy giáo, cô giáo của trường chủ động hướng dẫn HS tự ôn tập và tự học; khai thác tốt các kênh liên lạc qua Zalo, Facebook để tuyên truyền hướng dẫn PHHS bắt nhịp kế hoạch dạy học. Cô Huỳnh Thị Mộng Trinh - GV lớp 51, Trường Tiểu học Tân Thạch A cho biết: “Việc dạy học trong mùa dịch rất khó khăn nên tôi cố gắng nhiều hơn để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học. Từ hè năm học 2020-2021, tôi đã cập nhật thêm kỹ năng thao tác trên máy tính để dạy học trực tuyến. Giờ đây, tôi tự tin thao giảng cho HS thông qua phòng học online trên ứng dụng Zoom”.

Hiện nay, nhiều PHHS bày tỏ sự đồng tình và cho rằng điều kiện thuận lợi thì việc học tập trực tuyến sẽ tạo nền tảng để các em HS làm chủ công nghệ thông tin, phục vụ hiệu quả việc tự học. Bên cạnh đó, PHHS cũng như các thầy cô còn băn khoăn là dạy học ở nhà kiểm soát HS khó khăn, tương tác hạn chế, có thể làm giảm chất lượng buổi học.

 “Tôi đồng tình phương án học trực tuyến. Tuy nhiên, việc dạy học trực tuyến đối với các em HS khối THCS, THPT thì phù hợp hơn. Tôi lo lắng khối lớp nhỏ như lớp 1, lớp 2 và hộ gia đình có phụ huynh phải đi làm thì rất khó kềm cặp và cùng học với con em mình”, ông Ngô Hữu Trí - PHHS tại Trường Tiểu học Tân Thạch A chia sẻ.

Giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thúy cho biết: Dạy và học trực tuyến là một giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay. Qua đó, kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ học sinh tự học, tự ôn tập tại nhà trong thời gian các em nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19. Hiện nay, các đơn vị quyết tâm, đề ra phương án để việc học tập của học sinh không bị đứt gãy nếu tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến. Đối với các trường hợp học sinh không có điều kiện tiếp cận học trực tuyến, nhà trường phân công giáo viên nắm rõ từng trường hợp cụ thể để có biện pháp hỗ trợ, chuyển tài liệu học tập đến học sinh đảm bảo an toàn theo yêu cầu phòng chống dịch.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN