Tại tỉnh Bến Tre, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức đoàn giám sát việc thực hiện chính sách – pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP trên địa bàn tỉnh từ năm 2004 đến năm 2008. Được biết, hiện nay trên địa bàn thị xã Bến Tre đang thực hiện Dự án truyền thông về VSATTP VID – 217 do Ngân hàng Thế giới tài trợ thông qua giải thưởng Ngày sáng tạo Việt Nam năm 2008, thông qua hoạt động truyền thông này góp phần tạo nên bức tranh toàn cảnh và lời cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn để mọi tổ chức, cá nhân đều có cách nhìn tổng quan và thay đổi về ý thức, hành vi ứng xử nhằm đảm bảo chất lượng VSATTP là điều kiện tiên quyết để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình và cho cả cộng đồng.
Ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết đoàn tiến hành giám sát tình hình thực hiện chính sách – pháp luật về quản lý VSATTP tại một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nhận thấy vấn đề quản lý chất lượng VSATTP vẫn còn nhiều nỗi lo, nhất là trong khâu quản lý dịch vụ ăn uống đường phố, hàng rong, giết mổ gia súc – gia cầm; dịch vụ cung cấp thức ăn công nghiệp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…
Thực trạng quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP trên địa bàn tỉnh
Theo ông Nguyễn Hữu Phước, chủ trương giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách – pháp luật về quản lý VSATTP lần này nhằm đánh giá tình hình tổ chức triển khai, thực hiện Pháp lệnh VSATTP từ năm 2004 đến nay đã đi vào thực tế cuộc sống đến mức độ nào? Các cấp chính quyền thực hiện công tác quản lý ra sao? Hành vi vi phạm và biện pháp xử lý có tác dụng như thế nào. Đây là vấn đề sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội sắp tới. Lĩnh vực này đã có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh như Pháp lệnh VSATTP, Luật chất lượng hàng hóa; nghị định, Chỉ thị, Quyết định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Y tế, Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế với các ngành liên quan. Thực tế hiện nay có nhiều bộ, ngành Trung ương tham gia quản lý về chất lượng VSATTP như Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hàng rong bên lề đường. Ảnh: Hoàng Vũ.
Do nhân lực quản lý thiếu và yếu
Theo qui định hiện hành ngành y tế chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP trong khâu lưu thông hàng hóa trên thị trường, nhưng đội ngũ quản lý, chuyên môn còn quá mỏng, lại yếu và thiếu những phương tiện hoạt động cần thiết để thực hiện kiểm nghiệm, đánh giá tồn dư chất độc hại trong thực phẩm. Hiện nay, tại địa phương chưa có cơ quan chuyên trách quản lý chất lượng VSATTP, công tác này được giao Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, huyện đảm nhận nhưng lại thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực và trang bị cần thiết để quản lý chất lượng VSATTP. Cụ thể là đối với VSATTP nông sản do thiếu quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất tăng trọng, chất phát dục, chất kích thích tăng trưởng, chất bảo quản, hóa chất độc hại trong thực phẩm đã làm tăng lượng tồn dư hóa chất trong thực phẩm làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vệ sinh thú y đối với động vật, sản phẩm động vật giết mổ chưa có quy hoạch giết mổ tập trung; lực lượng thanh tra chuyên ngành không đủ năng lực để kiểm soát và không kiểm soát thường xuyên, nên việc thực hiện các quy định về thú y không được tuân thủ, làm ảnh hưởng chất lượng sản phẩm tiêu dùng trên thị trường. Công tác quản lý VSATTP ở các chợ đường phố, chợ nhỏ, do hoạt động của đối tượng này rất phức tạp cơ quan chức năng không đủ năng lực phương tiện để kiểm soát và quản lý. Đối với dịch vụ ăn uống, đa phần các thực phẩm được chế biến không đảm bảo vệ sinh, nên nguy cơ ô nhiễm thực phẩm cao, người chế biến không hiểu đầy đủ kiến thức hoặc tùy tiện sử dụng chất phụ gia gây tác hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Do đó, cần có sự quản lý chặt chẽ chất lượng VSATTP ngay từ nguồn nguyên liệu đầu vào và trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đến tiêu dùng (từ chăn nuôi, trồng trọt cho đến bàn ăn).
Giải pháp nào là hiệu quả?
Việc kiểm soát VSATTP hiện nay đang là vấn đề khó khăn, các cấp chính quyền phải tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra, cần có sự phối hợp đồng bộ chặt chẽ giữa ba ngành Y tế- Công thương – Nông nghiệp và PTNT, xác định rõ vai trò của từng ngành, tăng cường giáo dục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân pháp luật và kiến thức về VSATTP.
Để từng người dân thấy được lợi ích thiết thực mà có hành vi ứng xử thích hợp. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc tập huấn kỹ thuật, phổ biến rộng rãi mô hình sản xuất thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch cho người dân.
Vấn đề VSATTP chỉ có thể giải quyết có hiệu quả khi có sự phối hợp của các cơ quan Nhà nước với đông đảo nhân dân, là động thái tích cực hưởng ứng Tháng hành động Vì chất lượng VSATTP năm 2009 (từ ngày 15-4-2009 đến 15-5-2009) với chủ đề “Cộng đồng trách nhiệm để đảm bảo VSATTP: Nhà nước – doanh nghiệp – người tiêu dùng”.