BDK - Đề án Phổ cập bơi (PCB) phòng, chống đuối nước (PCĐN) cho trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đã được triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng. Bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp dạy bơi, tổ chức các giải bơi phổ cập… việc đầu tư cơ sở vật chất được quan tâm, trong đó có việc thực hiện lắp đặt các bể bơi di động cho các xã bãi ngang, xã có điều kiện khó khăn, vùng sâu... góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCB PCĐN cho trẻ em.
Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Ngọc Dung trực tiếp khảo sát hồ bơi di động đã được lắp đặt mới.
Trên cơ sở Đề án PCB PCĐN cho trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL - Cơ quan thường trực Ban Quản lý - BQL thực hiện đề án) đã xây dựng kế hoạch PCB PCĐN cho trẻ em trên địa bàn tỉnh từng năm. Trong năm 2024, bên cạnh tổ chức nhiều hoạt động công tác tuyên truyền thông qua lễ phát động học bơi, truyền thông báo chí… BQL Đề án PCB PCĐN cho trẻ em các cấp đã tập trung triển khai và thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch các lớp PCB, kiểm tra cấp giấy chứng nhận PCB cho các em đủ điều kiện.
Cùng với đó, theo tinh thần kế hoạch của BQL Đề án PCB PCĐN cho trẻ em tỉnh, các địa phương tiếp tục sử dụng, khai thác có hiệu quả các hồ bơi, bể bơi đã được đầu tư xây dựng; phát huy hiệu quả các bể bơi tại các xã bãi ngang, xã có điều kiện khó khăn và nâng cấp sửa chữa các bể bơi đã được ngân sách hỗ trợ 30% (nếu còn sử dụng đảm bảo an toàn). Đặc biệt, tiếp tục đầu tư trang bị mới 6 bể bơi di động cho các xã bãi ngang, xã có điều kiện khó khăn, vùng sâu (các xã không bể bơi, tỷ lệ trẻ em biết bơi thấp dưới 20% và có nguy cơ đuối nước cao) trên cơ sở BQL đề án các huyện có xây dựng kế hoạch đối ứng thực hiện.
Cụ thể, từ đầu năm 2024 đến nay, bộ phận phụ trách thuộc BQL đề án tỉnh cùng các cơ quan liên quan đã khảo sát, lắp đặt hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 6 bể bơi di động tại các địa điểm trường THCS hoặc tiểu học ở các địa phương: xã An Điền, xã Mỹ Hưng, xã An Thạnh (Thạnh Phú), xã An Hiệp, xã Bảo Thạnh (Ba Tri) và xã Hưng Phong (Giồng Trôm). Đón nhận bể bơi được BQL đề án tỉnh đầu tư, các địa phương cũng đã có sự phối hợp tích cực trong chọn địa điểm lắp đặt phù hợp, đạt yêu cầu, trong đó có nền sân bằng bê-tông; đảm bảo hệ thống nguồn nước, điện; có giáo viên đã qua khóa tập huấn hướng dẫn viên dạy bơi; đảm bảo các công trình phụ như mái che, nhà vệ sinh… để phục vụ tốt cho các em trong quá trình tập luyện.
Phó giám đốc Sở VHTT&DL Nguyễn Thị Ngọc Dung đã trực tiếp đến khảo sát để nắm bắt tình hình lắp đặt, bàn giao đưa vào sử dụng một số bể bơi mới được BQL đề án tỉnh hỗ trợ. Phó giám đốc Sở VHTT&DL Nguyễn Thị Ngọc Dung cũng đã đánh giá cao sự phối hợp tích cực của các địa phương trong tiến hành thực hiện lắp đặt các công trình bể bơi di động, đồng thời mong muốn các trường, các địa phương sẽ bảo quản và vận hành, khai thác tốt góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCB PCĐN cho trẻ em trong thời gian tới.
Theo định hướng của BQL Đề án PCB PCĐN trẻ em tỉnh, các địa phương tăng cường tổ chức các lớp dạy bơi PCĐN cho trẻ em theo chỉ tiêu phân bổ, qua đó phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giao theo kế hoạch. Đối với các bể bơi không còn sử dụng được, cần báo cáo về Sở VHTT&DL để nắm và xem xét. Cùng với đó, tiếp tục kêu gọi, vận động các nguồn lực xã hội tiếp tục đầu tư xây dựng các cơ sở hồ bơi cố định có chất lượng, đảm bảo phục vụ công tác PCB lâu dài và bền vững.
Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 140 hồ bơi, bể bơi các loại đang hoạt động, trong đó, có 94 hồ bơi cố định do tư nhân đầu tư và 46 bể bơi do ngân sách đầu tư tại các xã bãi ngang, xã có điều kiện khó khăn, vùng sâu xa trung tâm. Lũy kế các xã bãi ngang, khó khăn đã được hỗ trợ lắp đặt bể bơi di động giai đoạn 2021 - 2024 là 23 hồ, tại các huyện: Bình Đại (5 hồ), Ba Tri (5), Giồng Trôm (4), Thạnh Phú (7) và Mỏ Cày Nam (2).