Mục tiêu chung của Dự án này là hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình và công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, phát triển nguồn lực cần thiết để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực; thúc đẩy và hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ thiết bị; tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ để nâng cao khả năng cạnh tranh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngày 30-7-2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 22 về quy chế quản lý và định mức hỗ trợ các nội dung thuộc Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013-2020”. Điểm mới của quy chế này so với quy định trước đây là mở rộng phạm vi hỗ trợ gồm: xây dựng, áp dụng công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm với tiêu chuẩn, quy chuẩn. Mặt khác, nội dung hỗ trợ xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của doanh nghiệp đã được bổ sung hỗ trợ phần kinh phí đánh giá chứng nhận. Doanh nghiệp tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia đã được điều chỉnh hỗ trợ phần kinh phí xét tuyển ở Hội đồng quốc gia, xây dựng báo cáo theo 7 tiêu chí của giải thưởng. Mức hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được điều chỉnh từ mức hỗ trợ 30% lên mức 50% và đơn giản hóa các thành phần hồ sơ nhằm thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia Dự án.
Theo đó, quy chế này áp dụng đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, làng nghề, hội, hiệp hội. Các ngành được hỗ trợ tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên (bao gồm chế biến thủy sản, súc sản, chế biến các sản phẩm từ dừa, thức ăn chăn nuôi, phân bón, cơ khí...). Đặc biệt, quy chế còn hỗ trợ các làng nghề có sản phẩm truyền thống, đặc thù của tỉnh như làng nghề nấu rượu, chế biến cá khô, bánh tráng, bánh phồng, bó chổi, đánh bắt hải sản và hoa kiểng - cây giống. Các nội dung và mức kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp được quy định như sau:
- Hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo, tư vấn áp dụng các công cụ cải tiến năng suất và chất lượng (5S, Kaizen, TPM, Lean 6 Sigma…), nhưng không quá 25 triệu đồng cho một công cụ. Riêng đối với doanh nghiệp được chọn làm mô hình điểm để nhân rộng việc áp dụng công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, là nơi để thực hành cho lớp đào tạo chuyên gia tư vấn về năng suất và chất lượng của tỉnh được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, tư vấn áp dụng công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, nhưng không quá 50 triệu đồng cho một công cụ.
- Hỗ trợ 100% kinh phí cho các dự án xây dựng, đăng ký, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể; nhãn hiệu chứng nhận; chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm truyền thống, đặc thù của tỉnh.
- Hỗ trợ từ 30% tổng kinh phí đầu tư mới để thực hiện dự án đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiết kiệm năng lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường nhưng không quá 350 triệu đồng cho một dự án. Trường hợp dự án thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (theo Quyết định số 539/2013 của Thủ tướng Chính phủ) hoặc dự án trong lĩnh vực nông nghiệp được hỗ trợ 50% tổng mức kinh phí đầu tư mới để thực hiện dự án nhưng không quá 350 triệu đồng cho một dự án. Đặc biệt, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp được triển khai trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (theo Quyết định số 539/QĐ-TTg) được hỗ trợ 70% tổng mức kinh phí đầu tư mới để thực hiện dự án nhưng không quá 350 triệu đồng cho một dự án.
- Hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo, tư vấn và chứng nhận lần đầu các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO 9001, ISO 22000, SQF, HACCP...) nhưng không quá 40 triệu đồng cho một hệ thống.
- Hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo, tư vấn, xây dựng báo cáo, phí tham gia xét tuyển ở Hội đồng sơ tuyển và Hội đồng quốc gia nhưng không quá 30 triệu đồng cho một doanh nghiệp trong một lần tham gia.
- Hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo, tư vấn, thử nghiệm sản phẩm và chứng nhận sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, quy chuẩn quốc gia, quy chuẩn địa phương nhưng không quá 40 triệu đồng cho một tiêu chuẩn, quy chuẩn.
- Hỗ trợ từ 50 - 100% kinh phí đối với việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp như nhãn hiệu hàng hóa (bảo hộ trong và ngoài nước), kiểu dáng công nghiệp; sáng chế, giải pháp hữu ích; nhãn hiệu tập thể và phần mềm máy tính, mạch tích hợp bán dẫn, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn.