Quy định về quản lý vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường

10/06/2014 - 16:19

Ngày 26-9-2013, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường.

Theo đó, vàng trang sức, mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng vàng từ 8 Kara (tương đương 33,3%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1-6-2014.

Trước đây, việc quản lý mặt hàng vàng trên địa bàn tỉnh chỉ được thực hiện qua kiểm tra kiểm định phương tiện đo trong quá trình sử dụng đối với các cơ sở kinh doanh vàng; chất lượng và nhãn hàng hóa chưa được thống nhất quản lý dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng có hàm lượng (tuổi vàng) không giống nhau, gây khó khăn cho khách hàng khi mua và bán lại vàng ở hai doanh nghiệp khác nhau. Một số doanh nghiệp khi nhận mua vàng do nơi khác sản xuất đã hạ giá thấp hơn vì cho rằng không đủ tuổi, điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Mục đích của Thông tư nhằm thống nhất hệ thống đo lường khối lượng và thống nhất quản lý về chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong nước. Các tổ chức, cá nhân hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và kinh doanh mua, bán vàng miếng phải thực hiện các quy định về đo lường như: cân được sử dụng để xác định khối lượng vàng hoặc hàm lượng vàng trong mua, bán phải có phạm vi đo và độ chính xác phù hợp với khối lượng vàng cần đo; được kiểm định tại tổ chức kiểm định được công nhận hoặc chỉ định theo quy định của pháp luật về đo lường; chứng chỉ kiểm định (dấu kiểm định, tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định) phải còn thời hạn giá trị; khối lượng vàng trong mua, bán hoặc khi được thanh tra, kiểm tra không được nhỏ hơn khối lượng công bố; cân phải được người sử dụng tự kiểm tra định kỳ ít nhất 1 lần/tuần, hồ sơ thực hiện việc tự kiểm tra định kỳ được lưu giữ tại địa điểm thuận lợi cho việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan hoặc người có thẩm quyền.

Chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ thể hiện qua tiêu chuẩn công bố áp dụng, đây là tập hợp các thông số kỹ thuật và thông tin bắt buộc theo quy định về sản phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ tự công bố (dựa trên tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn cơ sở). Các tiêu chuẩn công bố của vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông được quy định tại Thông tư 22 bao gồm: thông tin về sản phẩm và nhà sản xuất, phân phối (tên hàng hóa, tên, địa chỉ nhà sản xuất, nhà phân phối, nhãn hiệu hàng hóa, mã sản phẩm…); các yêu cầu kỹ thuật (khối lượng, hàm lượng vàng, các đặc điểm riêng của vàng); ký hiệu phân biệt từng loại vàng trang sức, mỹ nghệ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng tự thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng theo một trong các cách sau: Trên bảng niêm yết giá, bao bì của sản phẩm, nhãn hàng hóa của sản phẩm hoặc trên tài liệu kèm theo sản phẩm vàng, trang sức mỹ nghệ.

Việc ghi nhãn vàng trang sức, mỹ nghệ phải được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 89/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Nội dung ghi nhãn bao gồm: tên hàng hóa; tên, mã ký hiệu của tổ chức, cá nhân sản xuất; hàm lượng vàng (tuổi vàng); khối lượng vàng và khối lượng của vật gắn trên vàng; ký hiệu của sản phẩm vàng.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải lưu giữ hồ sơ chất lượng, bao gồm: kết quả kiểm tra, thử nghiệm hàm lượng vàng theo tiêu chuẩn công bố; tiêu chuẩn công bố áp dụng; tài liệu, bằng chứng về việc ghi nhãn; chịu trách nhiệm và bảo đảm chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ bán cho người tiêu dùng phù hợp với tiêu chuẩn công bố; chịu sự thanh tra, kiểm tra về chất lượng và ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Theo Thông tư, Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan triển khai thực hiện các quy định tại Thông tư này về đo lường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng và chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên địa bàn tỉnh; tổ chức hoạt động thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về đo lường, chất lượng cho các tổ chức, cá nhân liên quan trong kinh doanh vàng, trong đó, đơn vị trực tiếp thực hiện là Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức lớp tập huấn triển khai Thông tư 22 và các quy định có liên quan nhằm giúp các doanh nghiệp tổ chức thực hiện đúng theo quy định.

Kim Chi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN