Ông V.V.T có nhu cầu tư vấn: Tháng 1-2018, tôi thuê 10ha đất của ông A để nuôi tôm, thời hạn 5 năm với giá 400 triệu đồng. Tôi đã trả trước 200 triệu đồng và làm được 3 năm thì lỗ. Tháng 3-2021, tôi yêu cầu ông A kết thúc hợp đồng sớm nhưng ông A chưa đồng ý. Sau đó, tôi bị bệnh phải điều trị từ tháng 5-2021 đến tháng 2-2022. Trong lúc tôi trị bệnh, ông A quản lý đất tôi đã thuê và có thu hoạch tôm tôi thả nuôi trong vuông. Trong quá trình thuê đất, tôi đã sửa chữa đường dẫn nước 30 triệu đồng (do đường dẫn nước của ông A bị hư). Xin hỏi, ông A khởi kiện đòi tôi phải trả hết số tiền thuê đất 400 triệu đồng. Tôi có thể yêu cầu ông A phải thanh toán tiền tôi sửa đường dẫn nước và yêu cầu ông A phải trả tiền khai thác lợi ích (do đã thu hoạch tôm trong vuông tôi thả nuôi). Thủ tục ra sao?
Thắc mắc của ông được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Quyền phản tố của bị đơn trong vụ án dân sự, thực chất là việc bị đơn khởi kiện ngược lại người đã kiện mình (nguyên đơn), nhưng được xem xét, giải quyết cùng với đơn khởi kiện của nguyên đơn trong vụ án. Tòa án sẽ giải quyết yêu cầu của hai bên theo quy định tại Điều 200, Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015.
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 200, BLTTDS, quyền phản tố và yêu cầu phản tố chỉ được chấp nhận khi thuộc một trong những trường hợp:
“1. Cùng với việc phải nộp cho tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
2. Yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a. Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;
b. Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;
c. Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn”.
Căn cứ quy định pháp luật như nêu trên thì trường hợp của ông, ông phải có văn bản nêu ý kiến của mình đối với yêu cầu của ông A. Đồng thời, ông có quyền nộp đơn phản tố kiện ngược lại ông A, yêu cầu ông A phải thanh toán cho ông tiền sửa chữa đường dẫn nước và tiền khai thác lợi ích từ việc ông A đã thu hoạch số tôm do ông thả nuôi trong vuông.
Khi thực hiện quyền phản tố, ông cần lưu ý những vấn đề như sau:
- Về thời điểm nộp đơn yêu cầu phản tố: Ông cần nộp đơn để đưa ra yêu cầu phản tố của mình trước thời điểm mở phiên họp và kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải của tòa án theo quy định tại khoản 3, Điều 200, BLTTDS.
- Về quy trình thủ tục, hồ sơ cần thực hiện yêu cầu phản tố: Việc thực hiện yêu cầu phản tố của bị đơn phải tuân thủ hình thức như khởi kiện một vụ án dân sự, tức là bị đơn phải soạn thảo đơn phản tố bằng văn bản và gửi đến tòa án.
Ông cần phải thực hiện đầy đủ như thủ tục khởi kiện của nguyên đơn, theo quy định tại Điều 202, BLTTDS gồm các bước như sau:
+ Bước 1: Ông gửi đơn yêu cầu phản tố cho tòa án có thẩm quyền (tòa án nơi nguyên đơn khởi kiện) và các chứng cứ hợp pháp kèm theo. Thời gian gửi đơn phản tố là 15 ngày, kể từ ngày ông nhận được thông báo của tòa án.
+ Bước 2: Tòa án sẽ tiếp nhận và xem xét đơn yêu cầu phản tố của ông.
+ Bước 3: Ông phải bổ sung đơn yêu cầu phản tố hoặc nhận lại đơn nếu không được tòa án chấp nhận.
+ Bước 4: Về thời hạn giải quyết: Trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ ngày ông nộp đủ hồ sơ hợp lệ, thẩm phán được phân công có trách nhiệm xem xét đơn và đưa ra quyết định giải quyết.
H. Trâm (thực hiện)