Thực hiện các chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Ảnh: Cẩm Trúc
Lĩnh vực ngân hàng
Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Việt Nam tỉnh Bến Tre (NHNN tỉnh) Lê Công Thành: Năm 2023, ngành ngân hàng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ những yếu tố bên ngoài và bên trong nền kinh tế. NHNN tỉnh đã chủ động triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, quản lý hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh phát triển an toàn. Tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Chú trọng kết nối ngân hàng - DN. Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay, triển khai quyết liệt các chính sách hỗ trợ khách hàng. Đến cuối năm 2023, các khoản cho vay mới bình quân đã giảm khoảng 3%, dư nợ đạt 62.500 tỷ đồng, tăng 6.678 tỷ đồng (+12%) so với đầu năm. Các ngân hàng đã thực hiện thực hiện miễn/giảm 11 tỷ đồng tiền lãi và 133 tỷ đồng tiền phí dịch vụ bằng chính nguồn lực của từng đơn vị, thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ với tổng số tiền lãi 16 tỷ̉ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng 103,3 tỷ đồng. Với những nỗ lực của ngành ngân hàng đã hỗ trợ tích cực vào phục hồi và phát triển kinh tế tỉnh.
Bước sang năm 2024, NHNN tỉnh bám sát chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam và định hướng của tỉnh. Tiếp tục quản lý hoạt động ngân hàng tích cực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thúc đẩy tài chính toàn diện và chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực ngân hàng. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, bảo đảm an toàn hệ hoạt động ngân hàng, kiểm soát nợ xấu, với những giải pháp cụ thể như sau:
Tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa giải pháp về lãi suất, tiếp cận tín dụng, đề nghị các chi nhánh ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục giao dịch, tăng cường ứng dụng công nghệ, CĐS để có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cố gắng nhất có thể để tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh. Tiếp tục rà soát, củng cố và nâng cao vai trò của quỹ tín dụng nhân dân, góp phần tăng khả năng cung ứng vốn vay, giảm nạn tín dụng đen ở địa bàn nông thôn.
Tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi, nhất là tín dụng chính sách, gói tín dụng 15 ngàn tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Hỗ trợ và tạo điều kiện để các TCTD, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện tốt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ. Tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh.
Triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật. Thực hiện hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh CĐS, đổi mới hoạt động ngân hàng và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, phối hợp các huyện mở rộng mô hình xây dựng “Tuyến phố không tiền mặt”.
NHNN tỉnh phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội DN, hiệp hội ngành, lĩnh vực để tăng cường nắm bắt thông tin, tình hình, khó khăn, vướng mắc liên quan đến tín dụng ngân hàng, xử lý kịp thời các phản ánh kiến nghị, hỗ trợ tăng cường kết nối, chia sẻ với ngành ngân hàng để cùng vượt qua khó khăn, phát triển ổn định.
Lĩnh vực công nghệ
Phó giám đốc Giải pháp công nghệ thông tin Viettel Bến Tre Nguyễn Lê Nhật Quang cho biết: Năm qua, Viettel Bến Tre đã và đang đồng hành CĐS với sở, ban, ngành, doanh nghiệp.
Theo đó, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện triển khai Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC), với 5 nhóm giải pháp an toàn. Triển khai mạng truyền số liệu chuyên dụng, với 269 đường cho cấp tỉnh, sở, ban, ngành, huyện và 157 xã phường. Triển khai hệ thống cầu truyền hình trực tuyến cho triển khai hệ thống giám sát thông tin trên môi trường mạng (Reputa). Hỗ trợ tập huấn kiến thức CĐS cho Ban Chỉ đạo (BCĐ) CĐS tỉnh, và các thành viên Tổ Công tác BCĐ CĐS tỉnh và 166 điểm cầu truyền hình cho BCĐ CĐS cấp huyện/thành phố và cấp xã/phường thị trấn. Hỗ trợ phổ cập Smartphone trợ giá máy và Internet cho khách hàng đang dùng trên máy 2G đã thực hiện được 6.481 máy, với tổng giá trị hỗ trợ 5,5 tỷ đồng.
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai kiểm định chất lượng giáo dục cho 530 trường. Triển khai phần mềm quản lý học phí không dùng tiền mặt cho 239 trường. Triển khai hệ thống CSDL ngành cho 100% trường kết nối dữ liệu học sinh, giáo viên trên toàn tỉnh. Triển khai kho học liệu học và thi trực tuyến cho toàn tỉnh.
Sở Y tế: Triển khai hệ thống khám chữa từ xa (Telehealth) cho 27 điểm trên địa bàn tỉnh gồm Sở Y tế, các bệnh viện, trung tâm y tế huyện/tp và 10 trung tâm y tế xã điểm
Sở Công Thương: Triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu ngành cho 7 đơn vị trực thuộc đảm bảo công tác thu thập, khai thác dữ liệu tập trung trên toàn tỉnh. Triển khai mô hình “Chợ 4.0” cho 10 chợ để triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cho tiểu thương.
Tỉnh đoàn: Phối hợp xây dựng Sổ tay cán bộ Đoàn đã thực hiện ra mắt từ tháng 3-2023 để thực hiện tạo tài khoản và hướng dẫn Tỉnh đoàn vận hành thí điểm. Thực hiện các chương trình ra quân thanh toán không dùng tiền mặt trên 9 huyện/thành phố trong mô hình chợ 4.0 và xã CĐS.
Triển khai hệ thống cầu truyền hình kết nối tỉnh đội với 9 Ban Chỉ huy Quân sự 9 huyện/thành phố. Cầu truyền hình cho HĐND dân; cầu truyền hình Bộ đội Biên phòng.
Thực hiện ký hợp tác chuyển đổi số cho 2 huyện Ba Tri và Giồng trôm, với 8 giải pháp và 9 đề xuất cụ thể để hỗ trợ cho huyện đẩy nhanh quá trình CĐS. Triển khai giải pháp loa thông minh cho huyện Mỏ Cày Bắc và huyện Châu thành.
Triển khai thí điểm phiên tòa trực tuyến, với 36 phiên (12 phiên cấp tỉnh, 24 phiên cấp huyện). Tất cả phiên xét xử trực tuyến đều đảm bảo chất lượng theo QĐ50 về bộ tiêu chí kỹ thuật của Tòa án tối cao Trung ương.
Hỗ trợ tập huấn và đồng hành cùng Tổ CĐS cộng đồng cấp huyện/thành phố, xã/phường/thị trấn. Các nghiệp vụ đã đào tạo, gồm: Hệ thống đào tạo trực tuyến, sàn thương mại điện tử, cài đặt VNeID, chuẩn hóa thông tin thanh toán không dùng tiền mặt, nền tảng đặt vé xe online, lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực: giáo dục, y tế, thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến, nông nghiệp và cuộc sống.
Lĩnh vực xây dựng
Năm 2024, chỉ tiêu phấn đấu của ngành là: Tỷ lệ đô thị hóa đạt 27%. Tỷ lệ đất cây xanh công cộng khu vực nội thành, nội thị: Đô thị loại II (TP. Bến Tre) đạt 9m²/người. Đô thị loại IV (Bình Đại, Ba Tri, Mỏ Cày Nam): 7,7m²/người. Đô thị loại V và các xã định hướng lên đô thị loại V: 4,5m²/người. Tỷ lệ hộ dân thành thị sử dụng nước sạch đạt 86,5%...
Ngành chủ trì phối hợp với địa phương triển khai lập, điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh. Phối hợp với các ngành, địa phương theo dõi, rà soát tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị mới trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch. Kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nâng cấp, đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, làm nền tảng xây dựng đô thị thông minh.
Sở Xây dựng tổ chức xây dựng, trình ban hành Quyết định điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2024 theo quy định. Tiếp tục tổ chức thực hiện một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững theo Nghị quyết số 33 của Chính phủ; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 -2030”. Theo dõi, đôn đốc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư các công trình thương mại - dịch vụ tại các khu đất trụ sở cũ. Tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và hộ nghèo khó khăn về nhà ở sau khi Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách mới…
Lao động việc làm
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thanh Hùng: Chỉ tiêu phấn đấu thực hiện năm 2024 là giải quyết việc làm 20 ngàn lao động/năm, trong đó đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng 2.500 lao động/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 68%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,25%. 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng….
Nhiệm và giải pháp đặt ra là tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động và các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó đẩy mạnh đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Kiểm tra, giám sát công tác cho vay vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật. Kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Thực hiện tốt công tác quản lý, cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, công tác huấn luyện và kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và các địa phương tập trung thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Thực hiện tốt công tác truyền thông, tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh THCS, THPT. Đào tạo các ngành trọng điểm, ngành phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh, nhất là ngành phục vụ phát triển kinh tế biển. Thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo phát triển sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách đối với người dân vùng khó khăn, bãi ngang ven biển…
C. Trúc - Tr. Quốc - Th. Thảo