Ra mắt tập khảo cứu Làng Thừa Đức xưa

24/09/2018 - 07:13

Hội Văn học Nghệ thuật (VH-NT) Nguyễn Đình Chiểu và gia đình nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Châu vừa tổ chức buổi lễ ra mắt tập khảo cứu Làng Thừa Đức xưa của ông. Đây cũng là dịp để nhiều đồng chí, đồng nghiệp nhắc lại tấm gương sáng của ông về phong cách đạo đức chuẩn mực và cái tâm hết lòng trong nghiên cứu văn hóa, lịch sử cùng nhiều lĩnh vực khác của Bến Tre.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo (thứ 3, từ trái sang, hàng thứ nhất) và khách tham dự cùng gia đình nhà nghiên cứu Huy Khanh - Nguyễn Văn Châu trong ngày ra mắt tập sách. Ảnh: Ánh Nguyệt

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo (thứ 3, từ trái sang, hàng thứ nhất) và khách tham dự cùng gia đình nhà nghiên cứu Huy Khanh - Nguyễn Văn Châu trong ngày ra mắt tập sách. Ảnh: Ánh Nguyệt

Đôi nét về tác giả và tác phẩm

Tác giả Nguyễn Văn Châu (bút danh khác: Huy Khanh), sinh năm 1928, mất năm 2003, quê quán xã Thừa Đức, huyện Bình Đại; nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Ông từng được nhận Giải thưởng VH-NT Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre. Ông được giới học thuật, các văn nghệ sĩ ở Bến Tre và cả Nam Bộ kính trọng, ngưỡng mộ vì sự uyên thâm, tinh thông nhiều lĩnh vực văn hóa, lịch sử. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến như: Đất Cù lao (tùy bút, bút ký), Phan Văn Trị - con người, quê quán và cuộc đời, Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, Từ mùa thu ấy (thơ).

Tập khảo cứu Làng Thừa Đức xưa là dạng tập ký, ghi chép, mẩu chuyện do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, khổ 13x19cm, dày 75 trang. Tập có 5 chương lớn: Làng Thừa Đức có từ bao giờ; Những đặc điểm của làng Thừa Đức trong quá trình hình thành và phát triển đến cách mạng Tháng Tám; Truyền thuyết và hiện thực về thời khai hoang lập ấp ở làng Thừa Đức; Vài nét về đời sống kinh tế trong làng; Làng Thừa Đức từ khi có Đảng và trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngoài nội dung, còn có một số hình ảnh trong quá trình làm việc của tác giả.

Mở đầu cho tập khảo cứu này, ông Nguyễn Quang Trị - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh giới thiệu: “Làng Thừa Đức xưa cũng là một trong rất nhiều công trình lịch sử - văn hóa mà tác giả đã dành tâm huyết, tài năng, trí tuệ và cả thái độ làm việc nghiêm túc, mẫu mực để dày công hun đúc mà thành. Ngoài việc đền đáp phần nào thâm ân của một làng quê từng là nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình, Làng Thừa Đức xưa còn là một quyển địa phương chí thu nhỏ, phản ánh khá căn cơ về nguồn cội, sự trù phú và tinh thần bất khuất, kiên trung của nhiều thế hệ ở một làng quê biển anh hùng”.

Ông Nguyễn Hải Châu - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, con trai tác giả Nguyễn Văn Châu cho biết thêm, trước khi tác giả qua đời, ông còn 2 công trình nghiên cứu đã làm nhưng chưa kịp hoàn thành: đó là công trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử của huyện Giồng Trôm và công trình lịch sử Đảng bộ làng Thừa Đức. Trong các tư liệu tác giả để lại, đặc biệt có quyển sổ tay ghi lại nhiều điều về quê hương, con người của làng Thừa Đức. Từ tài liệu ấy, ông Hải Châu đã kết hợp với Hội VH-NT Nguyễn Đình Chiểu để bắt tay vào thực hiện hoàn thành tập khảo cứu vừa nêu. buổi giới thiệu ra mắt tập sách với ý nghĩa tưởng nhớ nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất của ông Nguyễn Văn Châu.

Tấm gương về đạo đức, phong cách

 “Chú Hai” là cách gọi thân thương mà những người thân quen vẫn trìu mến gọi nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Châu với rất nhiều tình cảm. Nhắc lại kỷ niệm với tác giả, ông Cao Văn Dũng - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chia sẻ, tuy ông không được công tác chung với chú Hai nhưng ông có đọc qua các tác phẩm và từng đến gặp gỡ để đặt viết bài cho bản tin nội bộ Ban Tuyên giáo. “Tôi còn nhớ, chú Hai đã từng dặn dò, làm công tác tuyên giáo khó lắm nhe cháu, các cháu phải cố gắng rèn luyện, đọc nhiều sách báo, rèn luyện cả về tư cách, về đạo đức, muốn nói điều gì thì phải hiểu cho thật kỹ, nắm thật chắc, nói phải có nguồn có ngọn, rõ ràng. Đặc biệt là phải rèn luyện về ngôn phong, kỷ luật phát ngôn. Tôi rất tâm đắc, trân trọng và ghi nhớ lời dạy của chú mãi về sau, tôi cũng đã chia sẻ những điều quý báu ấy với anh em đồng nghiệp chung đơn vị hiện nay”, ông Cao Văn Dũng nói.

Khách tham dự tìm hiểu quyển khảo cứu được trưng bày tại buổi ra mắt. Ảnh: A. Nguyệt

Khách tham dự tìm hiểu quyển khảo cứu được trưng bày tại buổi ra mắt. Ảnh: A. Nguyệt

Trong các giai đoạn làm việc, nhà văn Nguyễn Văn Châu còn là một trong những thành viên sáng lập và là Chủ tịch Hội VH-NT Nguyễn Đình Chiểu đầu tiên. Nhà thơ Kim Ba - Chủ tịch Hội VH-NT Nguyễn Đình Chiểu bày tỏ, tác giả Nguyễn Văn Châu được mệnh danh là “nhà nghiên cứu Bến Tre học, Nam Bộ học”, được giới nghiên cứu văn hóa, lịch sử rất kính trọng. Ông có sự nghiên cứu tổng thể sâu rộng, những vấn đề lịch sử văn hóa Bến Tre gắn liền với Nam Bộ. Bày tỏ lòng tôn kính với tác giả, nhà thơ Kim Ba nói: “Qua các lần gặp gỡ với chú, tôi nhận thấy được nhiều điều hay ở chú, đó là sự đề cao tinh thần trách nhiệm trong mọi việc, phải chịu trách nhiệm với cái mình nói, cái mình làm, không ngại đối mặt với khó khăn và tìm cách tháo gỡ nó. Kế đến là sự tận tình, tận nghĩa, vị tha, thấu cảm trong tính cách của chú đối với các anh em văn nghệ sĩ. Đặc biệt là tình cảm luôn đau đáu về cội nguồn với lòng tri ân vô hạn, và đây được xem là nét rất riêng của chú Hai. Chúng tôi xem chú Hai là một tấm gương về đạo đức, về lao động trong công việc để học tập noi theo”.

Với tình cảm cá nhân của một người đã từng gắn bó công tác với nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Châu, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo đã chia sẻ, đó là điều may mắn với ông vì ông đã có cơ hội lĩnh hội được nhiều điều hay ở tác giả. “Những điểm nổi bật của chú Hai là nói và viết rất hay, nghiên cứu rất sâu và nhớ rất dai. Trong nhiều kỹ năng, nổi bật là kỹ năng xâu chuỗi các sự kiện và làm thức dậy trầm tích của lịch sử, văn hóa quê hương. chú là một người rất đa tài, vừa là một nhà chính trị rất lão luyện và rất sâu sắc, vừa là nhà nghiên cứu về văn hóa, lịch sử sâu rộng, không chỉ có thể viết văn mà còn làm thơ rất có tình. Về mặt nhân cách, chú Hai là một mẫu người đương đại rất đặc biệt, chính trực, kiên định, vững vàng. đây là điều rất đáng học hỏi cho các thế hệ cán bộ hôm nay”, ông Võ Thành Hạo nhấn mạnh.

Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

  • Lê Ngọc Quốc Cách đây 25 năm

    Hay quá! xin phép hỏi có thể tìm đọc tài liệu này ở đâu ạ?<br /> Làng Thừa Đức xưa có tên nôm là Xứ Nhựt Bổn, tui có một chuyên khảo về người Nhựt đã lưu trú ở xứ này từ hơn 300 năm trước.<br /> Chuyên khảo "Xứ Nhựt Bổn ở nam bộ xưa" (nay là làng Thừa Đức) được Hội Khoa Học Lịch Sử TP Hồ Chí Minh chọn đăng trong chuyên san năm 2018.<br /> xin mời quí báo tham khảo qua : <br /> https://bienhoadauyeu.blogspot.com/2018/03/viet-nam-hinh-anh-xua-ngay-xua-nam-bo.html?fbclid=IwAR0fesz-EOWMKFdlE02zs8SlKFlm91Ylt1oPMqX8HVkYQgEGtSDmVzYsNSE