 |
Mô hình trồng bưởi da xanh ở xã Mỹ Thạnh An (TP. Bến Tre). Ảnh: H.Vũ |
Theo Thạc sĩ Võ Hữu Thoại – Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, ở Bến Tre, bên cạnh những vùng nước ngọt trồng được bưởi da xanh, thì xã Phú Thuận (Bình Đại) chẳng những trồng được bưởi da xanh mà còn đoạt giải cao về chất lượng bưởi da xanh tại Hội thi Cây, trái ngon – an toàn vừa qua do Bến Tre tổ chức. Vậy, Bến Tre có thể mở rộng diện tích bưởi da xanh về các huyện biển.
Sở Khoa học – Công nghệ, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Bến Tre nên tập trung vào quy trình kỹ thuật trồng bưởi da xanh cho từng vùng trong tỉnh, kết hợp với sự đồng tình hưởng ứng của nông dân. Có như vậy, bưởi mới đạt chất lượng cao, xứng đáng với nhãn hiệu tập thể “Bến Tre”.
Để mở ra hướng đi mới cho bưởi da xanh ở Bến Tre, Sở Khoa học – Công nghệ đang xây dựng dự án xác lập quyền và quản lý nhãn hiệu tập thể “Bến Tre” cho trái bưởi da xanh.
Mục tiêu của dự án nhằm đưa ra hồ sơ hợp lệ cho việc đăng ký nhãn hiệu tập thể, xây dựng các quy tắc, cách thức tổ chức quản lý nhãn hiệu tập thể, giám sát, quản lý chất lượng của sản phẩm phù hợp với quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể “Bến Tre”. Dự án sẽ đưa ra những giải pháp, quy trình đầu tư xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị sử dụng, giá trị kinh tế của bưởi da xanh; xây dựng quy trình tổ chức, quản lý, khai thác nhãn hiệu tập thể sau khi được cấp giấy chứng nhận; lấy việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể làm tiền đề cho việc xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với bưởi da xanh sau khi đã được người tiêu dùng biết đến về chất lượng và uy tín.
Dự án gồm quy hoạch vùng sản xuất bưởi da xanh, cách thức thâm canh nhằm bảo đảm ổn định và nâng cao chất lượng bưởi da xanh tại Bến Tre; thành lập hiệp hội; xây dựng quy chế sử dụng nhãn hiệu, thiết kế logo dùng để đăng ký nhãn hiệu tập thể và bao bì sản phẩm; xây dựng chiến lược quảng bá nhằm giới thiệu với thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước theo hướng bền vững. Dự án còn hình thành và nâng cao ý thức của công chúng đối với việc xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ nói chung, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý nói riêng trong sản xuất nông nghiệp.
Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể hoàn chỉnh cho bưởi da xanh với đầy đủ tính pháp lý, tính khoa học và được người tiêu dùng thừa nhận sẽ là mô hình tiên phong trong việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp khác của Bến Tre. Theo Giám đốc Sở KH-CN Trương Minh Nhựt, mô hình xây dựng nhãn hiệu tập thể bưởi da xanh “Bến Tre” thành công và đi vào hoạt động sẽ hình thành và nâng cao nhận thức ở mọi người về giá trị của tài sản trí tuệ. Từ đó, họ gắn kết nhau cùng xây dựng, bảo vệ và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc thù của địa phương mình; nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước; tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất và tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương. Bên cạnh đó dự án còn tác động đến việc phát triển ngành du lịch như: du lịch xanh, du lịch miệt vườn…
Sở KH-CN đã làm tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể “Bến Tre” cho trái bưởi da xanh. Quy chế gồm 6 chương, 19 điều, tập trung vào các nội dung chính: Quản lý nhãn hiệu, điều kiện sử dụng nhãn hiệu, cấp, thu hồi, sửa đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện sử dụng nhãn hiệu, quyền hạn, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc sử dụng và quản lý nhãn hiệu tập thể “Bến Tre” cho trái bưởi da xanh.