Gia đình ông Trịnh Minh Thống (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) giới thiệu cúc mâm xôi cho thương lái mang ra Hà Nội tiêu thụ.
Rộn ràng sắc xuân
Những ngày đầu tháng Chạp, đến làng hoa, cây cảnh huyện Chợ Lách nhiều người không khỏi ngỡ ngàng với không khí Tết như đến sớm hơn nơi khác. Các làng trồng hoa, cây cảnh nổi tiếng như: hoa giấy Lân Đông (xã Phú Sơn), mai vàng Cái Mơn (xã Vĩnh Thành), kiểng thú (xã Hưng Khánh Trung B), cúc mâm xôi (xã Long Thới)… tràn ngập sắc hoa. Dọc hai bên đường từ ấp Lân Đông (xã Phú Sơn) sang ấp Đông Kinh (xã Vĩnh Hòa) của huyện Chợ Lách là san sát những chậu hoa giấy ngũ sắc vừa chớm nở.
Bà Nguyễn Thị Kim Đào (ngụ xã Phú Sơn) đang chăm sóc hơn 1 ngàn chậu hoa giấy vừa chớm nở để chuẩn bị bán Tết. Gia đình bà đã có 30 năm kinh nghiệm trồng hoa giấy được thương lái mang đi tiêu thụ khắp các chợ Tết. Bà Đào cho biết: “Làng sản xuất hoa giấy này nhà nào cũng làm từ vài trăm đến vài ngàn chậu hoa giấy bán quanh năm nhưng sôi động nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Thông thường, gia đình tôi bán tại vườn khoảng 50% sản lượng cho thương lái và các mối quen. Số còn lại sẽ trực tiếp mang ra bán tại chợ hoa Tết truyền thống hàng năm tại TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang). Sau Tết, gia đình lại đi thu mua cây nguyên liệu về ghép, chăm sóc để bán ở mùa Tết năm sau”.
Năm nay, người dân trồng cúc mâm xôi tại các xã Vĩnh Thành, Long Thới, Hòa Nghĩa… rất vui mừng khi hầu hết sản lượng đều được thương lái đến đặt hàng thu mua. Gia đình ông Trịnh Minh Thống (xã Vĩnh Thành) đang tất bật cùng nhân công thu hoạch 800 trăm giỏ cúc mâm xôi trổ hoa vàng rực để giao thương lái mang ra Hà Nội tiêu thụ. Ông Thống cho biết: “Gia đình tôi chuyên trồng cúc mâm xôi bán cho thương lái tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc nên thu hoạch sớm hơn khoảng nửa tháng so với các ruộng hoa khác. Năm nay, tôi mua giống cúc mâm xôi cấy mô nên cây rất khỏe, ít sâu bệnh. Vì vậy, giảm chi phí rất nhiều so với cách làm truyền thống”. Hiện tại, người dân bán cho thương lái với giá từ 80 - 100 ngàn đồng/giỏ, giảm chút ít so với năm rồi do tình hình kinh tế chung. Tuy nhiên, với giá này, người trồng hoa đã có lãi tương đối khá và tiêu thụ hết trước Tết nên ai cũng vui mừng.
Vùng trồng cúc mâm xôi, cúc Hà Lan, vạn thọ… tại xã Long Thới, người dân cũng tất bật ra đồng chuyển những giỏ hoa giao cho thương lái. Bà Lê Thị Diễm, ngụ ấp Long Huê (xã Long Thới, huyện Chợ Lách) cho biết: “Để trồng cúc mâm xôi tôi phải chuẩn bị trước 6 tháng để gieo giống, chăm sóc kỹ lưỡng nhằm giúp ra hoa ngay đúng dịp Tết. Trước đây, cứ độ 25 tháng Chạp là gia đình chuyển hoa xuống ghe để chở ra chợ Tết bán đến đêm 30 khi mọi người đón giao thừa mới trở về nhà. Ăn Tết được vài bữa lại tất bật chuẩn bị phân bón, cây giống trồng cho mùa Tết năm sau. Năm nay, gia đình tôi quyết định bán hết cho thương lái với giá 90 ngàn đồng/giỏ để ở nhà ăn Tết”.
Nghệ nhân tạo dáng cây cảnh “độc, lạ”
Trên địa bàn huyện Chợ Lách có hơn 6 ngàn hộ chuyên trồng hoa, cây cảnh. Trong đó có 2.500 hội viên Hội Sinh vật cảnh với khoảng 700 nghệ nhân cấp tỉnh và 7 nghệ nhân cấp quốc gia. Làng nghề có nhiều nghệ nhân chuyên làm ra sản phẩm cây cảnh hình thú từ các loại cây như: si, quất, mẫu đơn… rất đẹp mắt và được xem là sản phẩm “độc quyền” trong dịp Tết của bà con nơi đây.
Nghệ nhân xã Hưng Khánh Trung B (Chợ Lách) tạo dáng hình con rồng từ cây quất.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Công (ngụ xã Hưng Khánh Trung B) được xem là người kỳ cựu trong việc tạo dáng cây si có hình dạng: con vật, máy bay, ngôi nhà, ngà voi, bình trà… Sản phẩm nổi tiếng của ông từng xuất khẩu sang Singapore, Campuchia, Australia… Những ngày giáp Tết, nghệ nhân Nguyễn Văn Công cùng nhân công tất bật hoàn thành mấy cặp kiểng hình rồng giao cho khách trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Nghệ nhân Nguyễn Văn Công cho biết: “Gần 50 năm làm kiểng, tôi tạo ra rất nhiều hình dáng theo nhu cầu của khách hàng để làm đẹp cho các khu du lịch, công ty… Trong đó, đặc biệt nhất là 12 con giáp trong mỗi dịp Tết Nguyên đán. Năm nay, tôi sản xuất 30 cặp kiểng hình rồng để giao cho khách hàng trước Tết”.
Những ngày cận Tết, ông Trần Văn Cưỡng (ngụ xã Vĩnh Thành) đang hoàn tất 2 cặp kiểng hình rồng từ cây quất để giao cho khách hàng. Hơn chục năm qua, năm nào cũng vậy, cứ đến gần Tết là ông Cưỡng lại tuyển chọn những cây quất ra quả đẹp nhất để tạo thành hình con vật, thỏi vàng, cây nấm, búp sen… theo nhu cầu của khách hàng. Để làm ra được sản phẩm hình con vật theo ý muốn phải chuẩn bị cây quất nguyên liệu từ năm trước để chăm sóc, xử lý sao cho ra quả chín vàng đúng vào dịp Tết. Đồng thời phải tự thiết kế khung sắt theo hình các linh vật với các kích cỡ khác nhau. Ông Cưỡng cho biết: “Sau khi chuẩn bị cây nguyên liệu, lắp khung sắt rồi đợi đến gần Tết sẽ tiến hành ghép các chậu quất lại để lộ quả ra bên ngoài sao cho giống hình các linh vật nhất. Nhờ sản phẩm “độc, lạ” nên giá bán khá cao, trung bình từ 5 - 10 triệu đồng/cặp tùy theo kích cỡ lớn, nhỏ. Lúc đầu chỉ có vài người làm sản phẩm cây quất hình thú, đến nay có hàng chục người chuyên làm sản phẩm độc đáo này để cung ứng cho thương lái mang đi tiêu thụ tại các chợ hoa trong dịp Tết”.
Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Chợ Lách Trần Minh Mẫn cho biết: “Làng nghề truyền thống sản xuất hoa, cây cảnh trên địa bàn huyện Chợ Lách có từ rất lâu đời và ngày một phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Làng hoa có nhiều sản phẩm nổi tiếng như: mai vàng, quất tạo hình, cúc mâm xôi, hoa giấy bán khắp các chợ hoa trong cả nước. Năm nay, tình hình kinh tế khó khăn nên người dân chủ động giảm sản lượng so với mọi năm. Đến thời điểm này, các loại hoa được thương lái đến đặt hàng nên người trồng hoa rất mừng. Các loại cây cảnh khác như: mai vàng, hoa giấy nếu không bán được sẽ đem về chăm sóc để bán cho mùa Tết năm sau”.
Mỗi năm, cứ đến cận Tết, người dân làng hoa lại tất bật chăm sóc hoa, cây cảnh để cung ứng cho thương lái mang ra chợ Tết. Một số người vẫn giữ nét truyền thống trực tiếp mang hàng ra các chợ trong khu vực hay lên TP. Hồ Chí Minh bán. Đến đêm giao thừa, họ lại vội vã trở về quê đón Tết muộn rồi ra Giêng lại chuẩn bị trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh cho mùa Tết năm sau. Cứ như vậy, từ thế hệ này đến thế hệ khác nối tiếp nhau cùng làm đẹp cho ngày Tết để làm nên thương hiệu làng hoa Chợ Lách nức tiếng cả nước.
“Năm nay, bà con làng hoa Chợ Lách sản xuất khoảng 5 triệu sản phẩm hoa nở như: vạn thọ, cúc mâm xôi, cúc Hà Lan, hoa treo các loại phục vụ thị trường Tết. Ngành nông nghiệp cùng chính quyền địa phương đã hướng dẫn, khuyến khích người dân bán hàng qua các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội bên cạnh cách truyền thống thông qua thương lái như trước đây. Hiện tại, một số sản phẩm cúc mâm xôi, cúc Hà Lan đã được các thương lái đặt hàng. Huyện đã làm việc với các tỉnh bạn, các đơn vị tổ chức chợ Tết nhằm kết nối, giúp người dân đăng ký lô để mang sản phẩm đến bán trong dịp cận Tết”. Ngoài sản phẩm hoa nở, huyện Chợ Lách còn khoảng 3 - 4 triệu sản phẩm cây kiểng như: mai, hoa giấy, quất… cũng đang được người dân tạo dáng chuẩn bị cung ứng cho thị trường khắp các tỉnh, thành trong dịp Tết”.
(Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách Trần Hữu Nghị)
|
Bài, ảnh: Hoàng Trung