Sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải chăn nuôi heo

19/09/2018 - 07:54

Thực hiện ủ phân hữu cơ từ phân heo có bổ sung vi sinh tại nông hộ.

Thực hiện ủ phân hữu cơ từ phân heo có bổ sung vi sinh tại nông hộ.

Huyện Mỏ Cày Nam hiện có tổng đàn heo lớn nhất trong tỉnh với hơn 280 ngàn con, chiếm 50% tổng đàn heo trong tỉnh. Lượng chất thải chăn nuôi heo mỗi ngày là rất lớn. Trong khi đó, việc xử lý chất thải chưa triệt để đã gây ảnh hưởng đến môi trường. Để khắc phục tình trạng trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện đã triển khai thực hiện Dự án sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải chăn nuôi heo cho 10 hộ tại 2 xã Cẩm Sơn và An Định.

Triển khai dự án

Dự án được thực hiện từ tháng 6-2018 đến tháng 12-2019 với tổng nguồn vốn trên 400 triệu đồng, trong đó vốn từ ngân sách sự nghiệp khoa học là 136 triệu đồng. Mỗi hộ tham gia dự án sẽ sản xuất 9 tấn phân hữu cơ vi sinh, sau khi dự án hoàn tất sẽ cho ra khoảng 90 tấn phân để phục vụ cho người dân trực tiếp tham gia mô hình và người dân tại địa phương.

Qua chuyển giao quy trình kỹ thuật, hiện 10 nông hộ tham gia dự án đã tiến hành ủ những mẻ phân đầu tiên. Hộ anh Quảng Trọng Được, ấp Phú Lộc, xã An Định là một trong những hộ tham gia dự án chia sẻ: Đàn heo của gia đình anh có khoảng 100 con, mỗi ngày lượng phân heo thải ra rất nhiều. Trước đây, gia đình anh chỉ dùng một phần để sử dụng khí biogas, phần còn lại cho thải trực tiếp ra các mương rãnh trong vườn để cây tự hấp thụ. Ngoài ra, anh còn mua phân dê và phân bò phối hợp với phân vô cơ bón thêm cho cây trồng nên tốn chi phí khá nhiều. Khi chuyển qua thực hiện mô hình này, anh nhận thấy khi ủ phân, mùi hôi của phân heo hầu như không còn và độ tơi xốp thấy rõ sau 2 lần đảo trộn. Anh sẽ tận dụng nguồn phân này bón cho cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Săn, ấp Thạnh Phó, xã Cẩm Sơn chia sẻ: “Vì là mô hình mới nên lúc đầu tiến độ ủ phân của gia đình hơi chậm, nhưng qua các lớp tập huấn cùng sự hỗ trợ của địa phương, nhà tôi cũng quen dần, hơn nữa nhà tôi có sẵn nguồn phân heo nên không phải tốn nhiều chi phí”.

Quy trình ủ phân

Để tạo ra những mẻ phân hữu cơ có hiệu quả, các hộ nên lựa chọn loại phân của heo giống, vì có độ khô vừa phải và rất dễ thu gom. Khi tiến hành ủ phân, cần chú ý về công thức phối trộn các nguồn nguyên liệu với nhau theo tỷ lệ 70% phân heo và 30% chất độn chủ yếu là mụn dừa, kết hợp với chế phẩm sinh học Biofert UPC với thành phần chính là Lactobacillus và Bacillus, cùng nấm Trichoderma ở lần trộn cuối cùng nhằm bổ sung lượng vi sinh vật có lợi cho cây trồng, giúp cây phát triển nhanh và có khả năng chống lại các dịch bệnh.

Ngoài ra, trước khi ủ, nên trải bạt bên dưới và đậy kín sau khi trộn nguyên liệu, để tránh thất thoát nguồn nguyên liệu và chế phẩm sinh học, nhằm tạo độ ẩm và độ tơi xốp cho mẻ phân được ủ; đồng thời, giúp phân hủy nhanh xác bã thực vật, vi khuẩn, mầm cây, nấm bệnh… Trong quá trình ủ, nhiệt độ trong đống ủ có thể lên đến 60oC, các loài vi sinh vật phân giải chất hữu cơ phát triển nhanh và mạnh. Do vậy, khoảng 15 - 20 ngày cần đảo trộn 1 lần để các vi sinh vật có thể phân giải đều và nhanh hơn.

Bà Dương Thị Mỹ Trang - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Nam cho biết: Phòng sẽ lựa chọn ngẫu nhiên 2 mẫu đem đi phân tích, đánh giá về các thành phần hữu cơ có trong phân, cũng như những vi sinh vật còn lại trong phân sau quá trình ủ; đồng thời đưa ra kết luận cụ thể về quy trình sản xuất. Trong quá trình thực hiện, sẽ dùng phân hữu cơ vi sinh được ủ đem bón thử nghiệm tại các vườn bưởi da xanh với quy mô 1.000m2/mỗi hộ và được kiểm tra đối chứng với 4.000m2 vườn bưởi không sử dụng phân hữu cơ vi sinh.

Dự án sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải chăn nuôi heo bước đầu đã mở ra hướng đi mới cho việc ứng dụng phân hữu cơ vi sinh vào các vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam nhằm cải thiện môi trường đất đang ngày càng bạc màu. Đồng thời, góp phần giải quyết vấn đề mang tính chất thời sự của địa phương về ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi heo. Qua đó, nâng cao hiệu quả, năng suất cây trồng, giảm chi phí, nâng cao thu nhập cho người dân; từng bước hoàn thiện và nâng cao chuỗi giá trị con heo trên địa bàn.

Bài, ảnh: Cẩm Giang

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN