Các em đang thi đấu giải phổ cập bơi.
Đa dạng phương thức
Theo thống kê của ngành chuyên môn, ở Việt Nam, trung bình một năm có gần 2 ngàn trẻ em bị chết do tai nạn đuối nước, tỷ lệ này cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển, cao gấp 5,2 lần so với trung bình của các nước ASEAN và cao gấp 1,3 lần mức trung bình thế giới. Bến Tre có hệ thống sông ngòi chằng chịt nên nguy cơ trẻ em đuối nước rất cao nếu không được hướng dẫn về kỹ năng bơi, phòng chống đuối nước.
Từ Đề án PCB tỉnh Bến Tre, ban quản lý đề án cấp tỉnh, huyện, thành phố và các đơn vị liên quan đã tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về ý nghĩa thiết thực của việc PCB, cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, nhà trường trong việc phổ biến kiến thức, kỹ năng bơi an toàn, PCĐN cho trẻ em học sinh. Công tác tuyên truyền được duy trì thực hiện xuyên suốt nhiều năm qua và tăng cường trên nhiều hình thức như: trên phương tiện truyền thông các cấp, trong sinh hoạt tổ hội phụ nữ, đoàn thanh niên, trên các pa-nô, băng-rôn…
Theo Ban Quản lý Đề án PCB tỉnh, các cấp đã duy trì tổ chức lễ phát động học bơi để PCĐN và giải PCB. Năm 2019 tổ chức lần thứ 3, thu hút trên 6 ngàn em học sinh tham dự, hơn 1 ngàn em học sinh tham gia giải bơi các cấp. Đặc biệt, lần đầu tiên tỉnh tổ chức hội thi cứu đuối gắn với lớp tập huấn phương pháp cứu đuối cho trên 100 giáo viên thể dục, cộng tác viên thể thao, nhân viên cứu đuối tại các khu du lịch.
Các lớp dạy bơi được phân bổ tổ chức trong toàn tỉnh, được mở rộng qua từng năm. Năm 2019 có số lớp dạy bơi nhiều nhất từ trước tới nay. Nếu năm 2013 khởi động chỉ có 19 lớp PCB với hơn 500 em thì đến năm 2019 là 1.062 lớp, với hơn 21 ngàn em. Trong đó, nhiều đơn vị đạt kết quả tốt như: TP. Bến Tre, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc… Hiện tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi 6 - 15 biết bơi đạt 40,38% (chỉ tiêu chung của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dành cho các tỉnh là 40% trong Chương trình Bơi an toàn, PCĐN cho trẻ em giai đoạn 2016 - 2020).
Tỉnh đã phát động các trường đăng ký thực hiện mô hình “Học sinh toàn trường biết bơi”. Trong năm học 2018-2019, đã có 52 trường đăng ký, kết quả có 4/21 trường tiểu học và 9/31 trường THCS đạt yêu cầu, số còn lại tiếp tục thực hiện.
Cơ sở vật chất, hồ bơi, bể bơi cũng được quan tâm đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh đã có 130 hồ bơi, bể bơi các loại, từng bước đáp ứng nhu cầu dạy và học bơi các cấp.
Hỗ trợ các xã khó khăn
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong đầu tư cơ sở vật chất, song hiện hồ bơi, bể bơi vẫn còn thiếu so với nhu cầu thực tế, nhất là ở một số vùng nông thôn khó khăn, các xã bãi ngang. Trong năm 2019, tỉnh đã hỗ trợ 3 bể bơi (8,1x15,6m) cho các xã: Thạnh Phong (Thạnh Phú), Thạnh Trị (Bình Đại) và Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm). Dự kiến trong năm 2020, Ban Quản lý Đề án PCB tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm 4 bể bơi cho các xã bãi ngang khó khăn tiếp theo. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ kinh phí tổ chức các lớp dạy bơi cho các xã bãi ngang (tạo điều kiện các em học sinh học miễn phí). Tiếp tục kêu gọi tư nhân đầu tư các hồ bơi cố định đạt quy mô và chất lượng kèm theo chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định, tạo điều kiện PCB theo hướng lâu dài.
Đảm bảo nguồn nước sạch cũng là vấn đề được nhiều đơn vị quan tâm, nhất là các xã bãi ngang do thiếu nguồn nước sạch. Giải pháp được đưa ra là tăng cường hệ thống lọc nước, thay nước, đảm bảo vệ sinh khu vực hồ bơi, bể bơi… Vấn đề nhận thức của phụ huynh tiếp tục là “câu chuyện” được đề cập đến tại các cuộc họp sơ kết PCB toàn tỉnh. Nhiều phụ huynh vẫn còn khá thờ ơ với việc tạo điều kiện cho trẻ tham gia các lớp PCB. Trong năm 2020, tăng cường công tác tuyên truyền đến các bậc phụ huynh đưa trẻ học bơi là một trong những nội dung trọng tâm được hướng tới.
Tỉnh hướng đến mục tiêu phấn đấu đạt trên 45% trẻ em trong độ tuổi 6 - 15 được trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước (biết bơi và có giấy chứng nhận PCB). Tất cả vì sự an toàn cho trẻ.
Bài, ảnh: Ánh Nguyệt