STEM thúc đẩy giáo dục công nghệ cao trong trường học

18/12/2022 - 17:40

BDK - “Giáo dục STEM không đơn thuần chỉ là việc cung cấp, giúp học sinh (HS) nắm kiến thức, mà còn quan tâm tới việc xây dựng kỹ năng, sử dụng kỹ năng trong thực tế đời sống. Đây chính là một xu thế giáo dục hiện đại, giúp HS tiếp cận với cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0, góp phần thúc đẩy giáo dục công nghệ cao trong nhà trường hiện nay”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) La Thị Thúy đánh giá.

Sản phẩm “Chế tạo máy ly tâm tách kết tủa” của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Mỏ Cày Nam) trưng bày tại Ngày hội trải nghiệm sáng tạo STEM năm 2022.

Sản phẩm “Chế tạo máy ly tâm tách kết tủa” của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Mỏ Cày Nam) trưng bày tại Ngày hội trải nghiệm sáng tạo STEM năm 2022.

Sân chơi bổ ích

Ngày hội trải nghiệm sáng tạo STEM năm 2022 dành cho học sinh THPT do Sở GD&ĐT tổ chức trong 2 ngày 15 và 16-12-2022 đã tạo ra dấu ấn về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ngày hội đã tạo ra sân chơi khoa học bổ ích, lý thú, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo khoa học công nghệ, góp phần nâng cao tinh thần hợp tác và các kỹ năng sống theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho HS.

Là một trong những HS lần đầu tham gia sân chơi, em Nguyễn Trọng Phú - HS lớp 10A1, Trường THPT Nguyễn Ngọc Thăng (Giồng Trôm) bày tỏ: “Thông qua quá trình nghiên cứu sản phẩm, em biết thêm nhiều kiến thức về quá trình lên men, công thức chuyên môn của các môn học. Qua ngày hội, bản thân em được giao lưu, học hỏi giúp ích trong việc học tập, phát triển các ý tưởng để tạo sản phẩm ứng dụng trong cuộc sống”.

Ngày hội có 34 sản phẩm được chọn trưng bày, với 175 học sinh tham gia. Hầu hết các ý tưởng sản phẩm STEM đều xuất phát từ thực tế. Là sản phẩm vượt trội đạt giải nhất, “Chế tạo máy ly tâm tách kết tủa” được đánh giá tính thực tiễn cao, có khả năng ứng dụng tại các trường THPT. Xuất phát từ thực tế trong giờ thí nghiệm của trường, kết tủa thu được bằng cách để ống nghiệm trên giá đỡ, đợi kết tủa lắng xuống đáy ống nghiệm rồi gạn bỏ phần dung dịch mà các em HS của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Mỏ Cày Nam) đã phát triển ý tưởng tạo ra máy ly tâm tách kết tủa và được công nhận tại ngày hội.

Em Đoàn Trà Quế - HS Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: Với cách thu kết tủa tại trường sẽ mất thời gian, một lượng ít kết tủa đó bị trôi theo dung dịch ra ngoài. Được sự hướng dẫn của thầy Nhã, chúng em đã nghiên cứu và chế tạo ra máy ly tâm tách kết tủa để thu được 2 phần, gồm: dung dịch và kết tủa riêng biệt. Lượng kết tủa thu được sẽ dùng cho các thí nghiệm tiếp theo.

STEM chế tạo máy ly tâm tách kết tủa tận dụng được các sản phẩm có sẵn, chủ yếu là các sản phẩm bỏ đi như: các lon trà, lon sữa hoặc các dụng cụ vỏ bánh, mô-tưa không sử dụng trong dụng cụ gia đình. Từ vật dụng đó, các em HS vận dụng các kiến thức trong các môn học: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ để thiết kế chế tạo máy.

Thầy Nguyễn Văn Nhã - Giáo viên bộ môn Hóa học, phụ trách hướng dẫn sản phẩm STEM Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: “Trong quá trình nghiên cứu chế tạo sản phẩm STEM có những khó khăn do liên quan kiến thức nhiều môn. Trong đó, có những nội dung kiến thức chuyên sâu. Do đó, các em gặp trục trặc nhỏ. Các em trao đổi với giáo viên hướng dẫn, sau một thời gian mày mò, nghiên cứu, sản phẩm của các em đã hoàn thiện, hoạt động tốt”.

Theo thầy Nguyễn Văn Nhã, với máy ly tâm tách kết tủa, thời gian tách kết tủa khoảng 1 phút. Hiện tại, các trường THPT chưa có máy ly tâm, nếu phát triển sẽ phục vụ tốt cho hoạt động thí nghiệm tại các trường.

Tăng cường dạy học STEM

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với khối 10. Chương trình GDPT 2018, có nhiều điểm mới so với Chương trình 2006. Một trong những điểm mới là tổ chức các hoạt động dạy học theo hướng phát triển các phẩm chất và năng lực của người học. Trong quá trình dạy học, giáo viên phải thiết kế các hoạt động nhằm phát huy phẩm chất và năng lực của từng đối tượng học sinh.

Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục thường xuyên Sở GD&ĐT Nguyễn Minh Chí - Phó trưởng ban tổ chức, Trưởng ban giám khảo Ngày hội trải nghiệm sáng tạo STEM cho rằng: Qua hoạt động, HS được nghiên cứu trên cơ sở vận dụng kiến thức đã được học trong nhà trường, giúp các em có ý tưởng về việc xây dựng sản phẩm. Điều này phù hợp với định hướng Chương trình GDPT 2018. Đó là dạy học hướng đến việc phát triển phẩm chất, năng lực của HS. Ngày hội hướng đến việc tổ chức dạy học theo hướng tích cực. Qua hoạt động cung cấp cho giáo viên và HS ý tưởng để tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM tại nhà trường, vận dụng kiến thức để xây dựng các sản phẩm đáp ứng việc dạy và học gắn với thực tiễn. Từ đó thúc đẩy HS nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn, phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai, góp phần thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Tỉnh ủy về Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.

Giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thúy đề nghị: Các đơn vị nhà trường tăng cường tổ chức, áp dụng các hình thức tổ chức dạy học STEM theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, dạy học các môn khoa học theo bài học STEM, tổ chức các hoạt động trải nghiệm STEM, tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Thực hiện sinh hoạt chuyên môn theo cụm, nhằm giúp giáo viên có cơ hội giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong việc tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực HS thực hiện Chương trình GDPT 2018.

“Tùy theo điều kiện thực tế của từng đơn vị, tổ chức các hoạt động trải nghiệm STEM trong nhà trường như: thành lập câu lạc bộ hoặc các hoạt động trải nghiệm thực tế theo sở thích, năng khiếu và lựa chọn của HS một cách tự nguyện. Tổ chức các không gian trải nghiệm STEM trong nhà trường, giới thiệu thư viện học liệu số, thí nghiệm ảo, mô phỏng, phần mềm học tập để HS tìm hiểu, khám phá các thí nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong thực tiễn đời sống. Thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo STEM, phát hiện các HS có năng lực, sở thích và hứng thú với các hoạt động tìm tòi, khám phá khoa học kỹ thuật; tạo điều kiện cho các em thực hiện ý tưởng, xây dựng các dự án tham gia vào cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh”, Giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thúy lưu ý.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN