Được mọi người biết đến bằng tấm lòng từ thiện, luôn có sự quan tâm chia sẻ, giúp đỡ những người gặp bất hạnh, không may mắn, khó khăn trong cuộc sống. Đó là sư cô Thích nữ Diệu Thảo, tên thật là Trương Thị Liền, sinh năm 1960, ở ấp 10, thị trấn Thạnh Phú.
Từng là giáo viên công tác tại Trường Tiểu học thị trấn Thạnh Phú, sư cô Diệu Thảo luôn yêu nghề, mến trẻ và làm tốt nhiệm vụ của mình, nhiều năm đạt thành tích giáo viên dạy giỏi. Song cái duyên đã đưa cô đến với nhà Phật, thích nghiên cứu kinh sách Phật giáo và năm 1978 cô quy y tại chùa Phật Quang (Bến Tre). Vừa dạy học cô vừa là phật tử tại gia, giúp đỡ bà con lối xóm trong việc phúng tụng, cầu an, cầu siêu. Được 18 năm dạy học, cô quyết định nghỉ dạy rồi xuất gia vào năm 1997 và theo học tại Trường Trung cấp Phật học Đạo Tòng Lâm ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau khi ra trường, sư cô Diệu Thảo được Ban Chủ nhiệm Phật giáo huyện bổ nhiệm làm trụ trì chùa An Linh, xã An Nhơn. Đến năm 2009, do sức khỏe không tốt, cô trở về Tịnh thất riêng dưỡng bệnh và chuyên tu.
Trong quá trình tu học, ngoài “nghiền ngẫm” giáo lý của Phật giáo về chân lý và cuộc đời của Phật Thích Ca, cô còn dành nhiều thời gian để tìm hiểu về Bác, về tư tưởng và tấm gương của Người để học tập và làm theo. Những lời dạy của Bác như “phải coi đạo đức là gốc của con người” hay “người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng phải đúng thời, đúng cảnh”, luôn thấm nhuần trong tâm trí cô. Khi được hỏi trong học tập và làm theo lời Bác, cô tâm đắc nhất ở Bác điều gì? Sư cô Diệu Thảo chia sẻ: “Tôi rất cảm phục khi Bác đã hy sinh cả cuộc đời cho dân tộc và Bác luôn sống rất giản dị”.
Theo sư cô Diệu Thảo, tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác với tinh thần đạo đức của đạo Phật có điểm chung là “cứu khổ, ban vui”, là gạch nối bất khả phân giữa đạo và đời. Bộc bạch thêm về điều này, sư cô Diệu Thảo cho biết: “Tôi thấy Đức Phật và Bác Hồ đều có lòng nhân ái, thương người, giúp người. Đức Phật Thích Ca đã hy sinh cả cuộc đời mình cho chúng sanh, Bác Hồ thì cũng đã hy sinh cuộc đời cho dân tộc. Tấm lòng vị tha của Đức Phật, của Bác Hồ làm cho tôi cảm thấy kính Đức Phật, kính Bác Hồ rồi học hỏi và làm theo. Từ đó, tôi làm từ thiện giúp người để góp phần xóa đi những nỗi bất hạnh của người nghèo”.
Cũng chính từ suy nghĩ như vậy nên cô luôn dành trọn tâm huyết của mình cho công tác từ thiện, giúp đời. Trong những năm qua, sư cô Diệu Thảo còn đem nghi lễ Phật để giúp đỡ cho phật tử, người nghèo lúc cần. Qua vận động từ người thân, phật tử, cô đã có nhiều đóng góp trong xây dựng cầu đường, ủng hộ việc khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, đóng góp cứu trợ cho đồng bào nghèo ở Ea-Sup, Đắc-Lắc. Hàng năm, cứ đến các ngày rằm tháng giêng, tháng bảy, tháng mười, sư cô Diệu Thảo còn tổ chức tặng quà cho người nghèo, thăm giúp đỡ những gia đình nghèo có người đang bị bệnh.
Hiện sư cô đang nuôi một đệ tử đang học Trường Trung cấp Phật học ở thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), một chú tiểu mồ côi học lớp 6, giúp một sinh viên đang học tại Trường Đại học Cần Thơ có hoàn cảnh khó khăn (cha mất, mẹ bệnh) mỗi năm 10 triệu đồng và một học sinh nghèo ở xã An Nhơn đang luyện thi đại học. Ngoài ra, hàng năm, cô còn đóng góp cho Trường Tiểu học thị trấn Thạnh Phú phát thưởng cho học sinh nghèo hiếu học, các học sinh đoạt giải thưởng cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, mua sắm đồng phục cho học sinh nghèo và đóng góp xây dựng nhà ăn cho học sinh bán trú. Bên cạnh đó, sư cô Diệu Thảo còn là thành viên của Hội Nạn nhân chất độc da cam của huyện và luôn tích cực vận động, đóng góp để góp phần xoa dịu nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam.
Trên “bước đường” làm từ thiện, sư cô Diệu Thảo còn luôn khuyên nhủ mọi người phải sống nhân nghĩa, biết quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, làm điều thiện, tránh điều ác, hướng con người vào lối sống đẹp, có ích cho xã hội. Chia sẻ về mong muốn lớn nhất của mình trong thời gian tới, sư cô Diệu Thảo nói: “Tôi luôn mong ước có thể vận động nhiều người xung quanh mình, những người có điều kiện tốt trong cuộc sống cùng hỗ trợ cho những người nghèo, khó khăn để ngày càng giảm bớt cảnh khổ của người nghèo”.