Nhà tình báo chiến lược Phạm Ngọc Thảo

Tài năng, bản lĩnh, quả cảm, kiên trung, bất khuất

18/07/2022 - 05:36

Tờ báo đưa tin về Đại tá Phạm Ngọc Thảo xuất bản năm 1965. Ảnh: A. Nguyệt

Tờ báo đưa tin về Đại tá Phạm Ngọc Thảo xuất bản năm 1965. Ảnh: A. Nguyệt

Kiên cường, bất khuất trước kẻ thù

7 tháng sau sự kiện Phạm Ngọc Thảo bị ám sát không thành tại Bến Tre, chức Tỉnh trưởng của ông đã bị thay thế. Ngô Đình Diệm cho rằng Phạm Ngọc Thảo chưa có kinh nghiệm cai trị nên đưa ông ra nước ngoài học tập một thời gian, khi trở về tiếp tục bố trí ở cơ quan Mật vụ.

Nhờ có quan hệ rộng, thân cận nhiều nhân vật Mỹ quan trọng, nhiều tướng tá, cán bộ cấp cao Sài Gòn và với cương vị mới, Phạm Ngọc Thảo đã chủ động đề xướng, thúc đẩy một số cuộc đảo chính, chỉnh lý nội bộ, tạo nên những mâu thuẫn, bất đồng, nghi kỵ, triệt hạ lẫn nhau.

Cuộc đảo chính Diệm - Nhu, ngày 1-11-1963, do Mỹ bật đèn xanh cho một nhóm tướng lĩnh thực hiện, đã dẫn đến cái chết của anh em Ngô Đình Diệm, chấm dứt chế độ gia đình trị, đồng thời làm cho các tổ chức của địch tiêu hao, suy yếu, phải có thời gian để củng cố.

Cuộc chỉnh lý tháng 3-1964 lật đổ Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, trong đó có vai trò của Phạm Ngọc Thảo trực tiếp liên lạc, cổ vũ Nguyễn Khánh đứng ra cầm đầu. Qua Nguyễn Khánh, Phạm Ngọc Thảo đã thành công trong việc thanh trừ một số tướng tá ra khỏi các cương vị phụ trách rất lợi hại đối với cách mạng, đồng thời Phạm Ngọc Thảo được giữ chức Phát ngôn viên của Chính phủ, Tùy viên báo chí của Nguyễn Khánh.

Cuộc chỉnh lý ngày 13-9-1964 nhằm loại bỏ Khánh, do Phạm Ngọc Thảo trực tiếp chỉ huy. Lực lượng chỉnh lý đã chiếm được Đài Phát thanh, bao vây Dinh Độc lập. Nhưng cuộc chỉnh lý bị thất bại vì tướng Dương Văn Đức - Tư lệnh Quân đoàn 4 đưa quân về Sài Gòn giải vây. Phạm Ngọc Thảo buộc phải rời khỏi Sài Gòn đi ngoại quốc trong vòng 24 giờ theo lệnh của Nguyễn Khánh.

Bí mật trở về nước, Phạm Ngọc Thảo tiếp tục đề xướng cuộc đảo chính ngày 19-2-1965. Quân đảo chính đã chiếm được Đài Phát thanh, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân, Biệt khu thủ đô, bao vây nhà riêng của Nguyễn Khánh. Nhưng cuộc đảo chính không thành do Nguyễn Cao Kỳ cứu thoát. Phạm Ngọc Thảo bị kết án tử hình và Nguyễn Khánh treo giải lớn nếu ai phát hiện và bắt được Phạm Ngọc Thảo.

Trước tình hình trên, Phạm Ngọc Thảo phải đi vào hoạt động bí mật, tập hợp lực lượng, xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho cuộc đảo chính dự kiến nổ ra vào ngày 25-7-1965. Ông đã cho xuất bản tờ báo Việt Tiến nhằm đề cao tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam, vạch trần âm mưu của Mỹ và chủ nghĩa thực dân mới cùng với sự câu kết của bọn tay sai Thiệu - Kỳ - Quát, phân tích những thiếu sót về cuộc đảo chính vừa qua và những biện pháp cần khắc phục…

Lúc này, tuy Phạm Ngọc Thảo phải lẩn tránh sự truy bắt của chính quyền Sài Gòn nhưng ông vẫn còn nắm được một tiểu đoàn. Ông liên lạc với đồng chí Võ Văn Kiệt. Đồng chí Võ Văn Kiệt trực tiếp gặp ông và gợi ý ông nên ra chiến khu cho an toàn, nhưng Phạm Ngọc Thảo vẫn giữ vững lập trường bám trụ. Ông cho biết vẫn còn có khả năng tổ chức đảo chính thành công, phương án đã được anh em bàn kỹ, phải kiên quyết giành thắng lợi để ngăn chặn chính quyền quân phiệt rước quân viễn chinh Mỹ vào gây tội ác.

Nhưng do có sự phản bội trong nội bộ lực lượng đảo chính nên cuộc đảo chính chẳng những không nổ ra mà còn bị đàn áp. Hầu hết các lực lượng có liên quan đến cuộc đảo chính đều bị bắt.

Mặc dù Phạm Ngọc Thảo đã “cải trang” khôn khéo nhưng cuối cùng ông không qua được lực lượng an ninh quân đội Sài Gòn. Ngày 15-7-1965, Phạm Ngọc Thảo đang làm việc tại nhà dòng Phước Sơn thì bị chúng đưa xe ập tới vây bắt. Chúng bịt mắt và đưa ông tới rừng cao su Phước Tân để thủ tiêu. Có tiếng lên đạn, Phạm Ngọc Thảo vùng vẫy thoát ra, chúng sợ ông vuột mất, liền nhắm vào đầu ông nổ súng. Do có đông đảo lực lượng công nhân đi cạo mủ xuất hiện nên chúng sợ bị lộ, liền quay xe chạy mất… Phạm Ngọc Thảo không chết… vì đạn chỉ trúng cằm. Mọi người nghĩ đây là một linh mục bị bắt cóc và ám sát nên tạm đưa ông đến trại định cư Tam Hiệp (Biên Hòa). Cha xứ dòng Đa Minh đến tận nơi và chuyển ông về xứ đạo Đa Minh cứu chữa…

Nhưng bọn cảnh sát và an ninh quân đội tiếp tục truy tìm và bắt được ông. Chúng đưa ông về Cục An ninh quân đội Sài Gòn. Chính Nguyễn Ngọc Loan - Tổng giám đốc Cảnh sát Công an trực tiếp tra tấn, hỏi cung và hành hạ ông một cách dã man. Dù đã bị thương rất nặng và tiếp tục bị tra tấn, Phạm Ngọc Thảo vẫn kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, vẫn giữ thái độ bình tĩnh, thản nhiên và trả lời dứt khoát: “Tôi sẽ tiếp tục sứ mạng của tôi cho tới khi thành công! Có đồng đội hợp tác là để làm việc lớn, không phải để khai báo!”.

Lồng lộn vì không khai thác được gì, tên hung thủ Nguyễn Ngọc Loan đê hèn ra tay bóp hạ bộ ông cho đến chết. Ông hy sinh vào rạng sáng ngày 17-7-1965. Khi đó, ông mới 43 tuổi.

Sự hy sinh của ông đã để lại bao thương cảm, nuối tiếc, mất mát cho đồng đội, cho nhân dân và sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc đang trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng!.

Ông Trần Quốc Hương (Mười Hương) - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, người đã từng trực tiếp tổ chức hoạt động cho Phạm Ngọc Thảo trong thời kỳ đầu, đã nói: “Anh Phạm Ngọc Thảo thủ một vai diễn không có kịch bản, không được phép sai lầm, sơ sẩy… cho tới hy sinh. Phải có thần kinh bằng thép mới thực hiện nổi!”.

Ông Trần Bạch Đằng - nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn, nguyên Phó ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam, nói: “Khác với các nhà tình báo khác mà nhiệm vụ chủ yếu của họ là khéo giấu mình, tổ chức thu thập, tuyển chọn các tin tức cần thiết để chuyển về Trung tâm, Phạm Ngọc Thảo đã đi thẳng vào hàng ngũ kẻ thù, không hề che giấu sự tự hào của mình đã từng cầm quân cách mạng chống thực dân Pháp và đã trụ vững, tung hoành trong hàng ngũ địch một thời gian dài cho đến tận lúc hy sinh. Đó thật là đặc biệt, chỉ có riêng ở Phạm Ngọc Thảo!”.

Ông Nguyễn Đức Trí (Sáu Trí) - nguyên Thủ trưởng Cơ quan tình báo Miền cho rằng: “Trong lịch sử tình báo ta, câu chuyện ly kỳ như Phạm Ngọc Thảo là hạn hữu…”.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đánh giá rất cao về ông: “Phạm Ngọc Thảo là nhà tình báo kiệt xuất, là anh hùng hội đủ nhân - trí - dũng…”.

Đó là những lời tâm huyết của những người bạn, người lãnh đạo cùng thời đánh giá một cách minh bạch, xác đáng, khách quan về Phạm Ngọc Thảo, góp phần “luận giải” khái quát về cuộc đời, công lao, phẩm hạnh của người anh hùng phi thường, xứng đáng nhiều lần anh hùng Phạm Ngọc Thảo - Nhà tình báo chiến lược đầy tài năng, bản lĩnh, quả cảm, kiên trung, bất khuất!

Nguyễn Quang Trị

Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN