BDK.VN - Theo thông tin về đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản từ Hệ thống giám sát dựa vào sự kiện tại Việt Nam - Bộ Y tế, để chủ động trong công tác phòng chống bệnh cúm mùa, hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch, ngày 6-2-2025, Sở Y tế Bến Tre có công văn yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường cảnh giác trong công tác khám, chữa bệnh để phát hiện các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính chưa rõ nguyên nhân, kịp thời cách ly hạn chế lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh.
Chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh cúm mùa hiệu quả. (Ảnh: Bộ Y tế)
Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về các biện pháp phòng lây nhiễm cho bệnh nhân và người chăm sóc bệnh nhân.
Chuẩn bị cơ sở vật chất, khu vực cách ly, thiết bị, vật tư y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân để tổ chức thu dung, cách ly các ca bệnh nghi ngờ. Tăng cường công tác giám sát các bệnh nhân viêm phổi nặng do vi-rút, hội chứng cúm... và thực hiện lấy mẫu các trường hợp viêm phổi nặng gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre để chuyển lên Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 5372/QĐ-BYT ngày 24-12-2020, trong đó cần lưu ý đối với những người bệnh trong nhóm nguy cơ cao và người có viêm hô hấp kèm yếu tố dịch tễ.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật củng cố hệ thống giám sát đáp ứng các trường hợp bệnh viêm phổi nặng do vi-rút, chùm ca bệnh, ổ dịch cúm và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác trong cộng đồng và cơ sở y tế, để triển khai điều tra, đáp ứng kiểm soát kịp thời, hạn chế lây lan diện rộng. Hướng dẫn và phối hợp với các đơn vị để vận chuyển mẫu bệnh phẩm được lấy từ các cơ sở y tế chuyển đến Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh.
Tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe đến người dân, cần nhấn mạnh các biện pháp phòng, chống bệnh cúm và các bệnh viêm đường hô hấp khác như: Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang; vận động, hướng người dân tiêm vắc-xin phòng cúm, nhất là nhóm nguy cơ cao trên địa bàn như: Trẻ em, người già, người có bệnh mạn tính... và khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thường xuyên củng cố kiến thức chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tránh trường hợp lúng túng khi có dịch bệnh bùng phát. Theo dõi sát tình hình dịch bệnh tại địa phương, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Tăng cường giám sát dịch tể, phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm thông qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, giám sát dựa vào sự kiện, dựa vào cộng đồng.
Thực hiện báo cáo nhanh cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để kịp thời phối hợp và chỉ đạo về chuyên môn. Duy trì các đội chống dịch cơ động để đáp ứng một cách nhanh nhất trong tình huống dịch bệnh xảy ra. Rà soát lại tình hình nhân lực, vật tư, thiết bị y tế tại đơn vị và thực hiện tham mưu cho UBND huyện, thành phố nhằm đảm bảo không bị thiếu hụt khi có dịch bệnh xảy ra.
Phối hợp với các ban, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền đến người dân kiến thức về các dịch bệnh có thể xảy ra, đường lây truyền và cách phòng chống…