Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường

25/01/2021 - 06:54

BDK - Hưởng ứng Ngày Đo lường Việt Nam 20-1-2021, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hoạt động tuyên truyền ý nghĩa Ngày Đo lường Việt Nam và nội dung Đề án số 996/QĐ-TTg ngày 10-8-2018 về “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 996).

Kiểm định cân thông dụng. Ảnh: KT

Kiểm định cân thông dụng. Ảnh: KT

Ngày 20-1-1950, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang trong giai đoạn gay go, ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 08/SL về đo lường. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên về đo lường của chính quyền cách mạng nước ta và cũng là điểm xuất phát của sự ra đời và trưởng thành của ngành Đo lường Việt Nam. Để ghi nhận những đóng góp của ngành Đo lường Việt Nam, ngày 11-10-2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 155/2001/QĐ-TTg lấy ngày 20-1 hàng năm là Ngày Đo lường Việt Nam.

Trải qua 71 năm, ngành Đo lường đã lớn mạnh, hình thành Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có tổ chức mạng lưới rộng khắp từ Trung ương đến 63 tỉnh, thành phố nói chung và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Bến Tre nói riêng trong suốt chiều dài lịch sử đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến, bảo đảm an ninh quốc phòng và xây dựng đất nước.

Thấy được được tầm quan trọng của Đề án 996, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3446/KH-UBND ngày 17-7-2019 triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, một trong những mục tiêu của Quyết định số 996/TTg là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp.

Thực tế tại tỉnh, trong hoạt động trao đổi mua bán hàng ngày, nhiều người còn sử dụng các phương tiện đo truyền thống như trong trao đổi, mua bán muối của bà con diêm dân ở xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri theo truyền thống lâu nay là dùng thùng (hay còn gọi là cái táo), 2 thùng (táo) được tính là 1 giạ (khoảng 50kg muối, còn tùy thuộc vào loại muối). Đây là phương tiện đo mang tính cổ truyền.

Trong cách đếm hàng hóa, người hay dùng cách tính “chục”, nhất là chục trái cây. Chục dùng để chỉ 10 hoặc trên mười. Chục chẵn/chục mười/chục trơn là đúng con số mười đơn vị hàng hóa. Hiện nay, người tỉnh còn sử dụng cách đếm chục trái dừa là 12 trái, chục bắp lại là 14 trái.

Các đơn vị đo và cách đếm này theo Khoản 3 và 5 Điều 8 Luật Đo lường 04/2011/QH13 ngày 11-11-2011; Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26-9-2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 các đơn vị đo trên không nằm trong đối tượng quản lý Nhà nước về đo lường theo quy định.

Tương tự khi tính sản lượng dừa, trước đây thống kê sử dụng đơn vị trái, cụ thể Niên giám thống kê tỉnh Bến Tre năm 2005, trong phương pháp tính toán và thống kê sản lượng dừa trái hàng năm có đơn vị tính bằng trái nhưng để phù hợp với thông lệ của quốc tế Tổng cục Thống kê đã quy đổi đơn vị tính 1 trái dừa tương đương 1kg và theo đó Niên giám thống kê năm tỉnh năm 2010, sản lượng dừa đã được tính bằng tấn.

Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp giữa các bên khi tham gia giao dịch, Sở  Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Ba Tri tổ chức tuyên truyền kiến thức pháp luật về đo lường trên Đài Truyền thanh huyện và các xã về Luật Đo lường 04/2011/QH13 và các văn bản quy phạm pháp luật về đo lường, nhất là đối với phương tiện đo nhóm 2 được kiểm soát về đo lường theo quy định; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện được Nhà nước quy định để đo lường trong trao đổi, mua bán như: cân đồng hồ lò xo, cân bàn các loại, cân đĩa, cân treo… từng bước thay thế các phương tiện đo mang tính cổ truyền (thùng, táo), không nằm trong đối tượng quản lý nhà nước về đo lường theo quy định.

Ngày Đo lường Việt Nam 20-1 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống, đoàn kết, gắn bó thân thiết của tất cả những người làm công tác đo lường trong cả nước và là hoạt động được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh, động viên, khuyến khích các cán bộ, công chức, nhân viên làm công tác đo lường và thúc đẩy hoạt động đo lường của nước ta ngày càng phát triển, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặng Văn Cử

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN