So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc tăng 4 lần chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang. Tại tỉnh, tình hình dịch bệnh TCM có ghi nhận nhưng không đáng kể.
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai một số nội dung về tăng cường phòng chống dịch TCM để giảm đến mức thấp nhất số trường hợp mắc, tử vong; không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài.
Cụ thể, chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe phù hợp tới người dân về các biện pháp phòng chống bệnh; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi cho trẻ sạch; đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh.
Triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch bệnh TCM tại các cơ sở giáo dục. Đặc biệt, tại nhà trẻ, trường mẫu giáo. Các cơ sở giáo dục phải có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng để người giữ trẻ và trẻ thực hiện rửa tay. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
Ngành y tế tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, xử lý triệt để, tránh để dịch lây lan ra diện rộng. Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị tại các bệnh viện, hạn chế việc chuyển tuyến trong khả năng điều trị, nhằm giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị.
Phan Hân