Tạo điều kiện cho ngư dân hoạt động khai thác thủy sản

31/08/2020 - 07:03

BDK - Từ tháng 7-2020, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản điều chỉnh trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động khai thác thủy sản (KTTS) để phù hợp với các quy định mới cũng như tạo điều kiện cho ngư dân an tâm bám biển. Đây cũng là một trong những nỗ lực để triển khai giải pháp thực hiện nhiệm vụ chống KTTS bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Hoạt động nghề thủy sản tại cảng cá Ba Tri.

Hoạt động nghề thủy sản tại cảng cá Ba Tri.

Thay đổi thời hạn giấy phép khai thác

Trước đó, để tăng cường kiểm soát hoạt động KTTS của ngư dân, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1262 ngày 7-6-2019 quy định giấy phép KTTS được cấp trong thời hạn 1 năm. Quá trình thực hiện cấp gia hạn giấy phép, làm nghề dịch vụ phải xác định con tàu còn hoạt động và phải kiểm tra thực tế thiết bị. Những trường hợp tàu hoạt động ngoài tỉnh, để xác định được cấp giấy phép KTTS thì những tàu hoạt động ngoài tỉnh phải chạy về địa phương. Điều này gây khó khăn cho ngư dân về chi phí và các sự cố trên biển do thời tiết.

Qua quá trình thực hiện nhận thấy, ngư dân gặp khó khăn khi chuyển tàu về địa phương để thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác. Ngày 15-7-2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1672 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1262 về việc công khai hạn ngạch giấy phép KTTS vùng khơi và công bố hạn ngạch KTTS vùng lộng và vùng bờ tỉnh để tạo điều kiện cho ngư dân an tâm, bám biển.

Thời hạn giấy phép KTTS được xác định theo quy định tại Điều 49, Khoản 6, Điều 50 Luật Thủy sản và Khoản 4 Điều 45 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8-3-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Hạn ngạch giấy phép được công bố, điều chỉnh 60 tháng một lần. Với việc điều chỉnh này, ngư dân rất phấn khởi vì đỡ tốn chi phí di chuyển.

Ngư dân Đỗ Trọng Hiếu, xã An Hiệp huyện Ba Tri chia sẻ: Việc điều chỉnh thời gian cấp giấy phép khai thác rất hợp lý và thuận lợi hơn cho người dân. Mỗi lần cấp giấy phép, chủ phương tiện phải di chuyển tàu về địa phương để thực hiện thủ tục rất tốn kém. Trung bình 1 ghe nhỏ (loại 300 - 400 mã lực) tốn chi phí 40 triệu đồng/lần (đi và về). Ghe có mã lực cao thì chi phí đội lên. Trong năm 2019, việc di chuyển 5 ghe của gia đình từ Cà Mau về tỉnh, tôi phải tốn chi phí hơn 200 triệu đồng.

Giải pháp chống khai thác bất hợp pháp

Năm 2019, triển khai Văn bản số 2311 ngày 16-5-2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường các giải pháp chống KTTS IUU, đến nay các sở, ban, ngành liên quan thực hiện đạt kết quả khá tốt. Hoạt động đánh bắt xa bờ được tăng cường kiểm soát, giám sát bằng cách lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, kiểm soát nghề. Các nội dung người dân đã đáp ứng với 97% tàu tham gia khai thác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Số lượng tàu bị bắt giữ do KTTS vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm 66,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Để tăng cường các giải pháp phòng chống khai thác IUU trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường các giải pháp phòng chống KTTS IUU.

Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm điều kiện được cấp phép KTTS quy định tại Khoản 2 Điều 50 Luật Thủy sản; tăng cường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đề nghị hỗ trợ thực hiện kiểm tra về điều kiện được cấp phép KTTS theo quy định đối với tàu cá của tỉnh hoạt động về bến trên địa bàn tỉnh khác, mà chủ tàu có yêu cầu thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép KTTS. Đồng thời, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tổ chức giám sát chặt chẽ tàu cá của tỉnh hoạt động KTTS trên biển qua hệ thống giám sát. Xử lý nghiêm các trường hợp không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát lắp đặt trên tàu; tự ý tháo gỡ thiết bị giám sát khỏi vị trí niêm phong và các hành vi khác trong quản lý, sử dụng thiết bị giám sát trên tàu cá.

Lực lượng kiểm soát nghề cá tại các cảng cá tăng cường hoạt động, nâng cao chất lượng kiểm soát nghề cá, đảm bảo hồ sơ truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đúng theo quy định. Các đồn biên phòng tăng cường kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến, xử lý nghiêm theo quy định; đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm tra các cửa sông, luồng lạch chính, giám sát chặt chẽ tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát đang ngưng hoạt động theo danh sách thống kê của địa phương. Ngoài ra, lực lượng biên phòng phối hợp với công an nắm chắc các địa bàn trọng điểm, các chủ tàu thuộc diện có nguy cơ cao KTTS vi phạm vùng biển nước ngoài. Kịp thời xác minh các thông tin tàu cá, ngư dân vi phạm.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN