Văn hóa ứng xử học đường, bài 3:

Tạo dựng mối quan hệ thầy - trò tốt đẹp

18/11/2022 - 05:30

BDK - “Tôn sư trọng đạo” là truyền thống quý báu, một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, truyền thống ấy vẫn luôn được giữ gìn và phát triển. Trong suốt cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, Đảng và Nhà nước luôn tôn vinh nghề giáo và khẳng định vai trò, vị trí của người thầy trong xã hội.

Các thế hệ học sinh ghi nhớ công ơn thầy cô đã từng yêu thương, dày công truyền đạt tri thức. Ảnh: P. Hân

Các thế hệ học sinh ghi nhớ công ơn thầy cô đã từng yêu thương, dày công truyền đạt tri thức. Ảnh: P. Hân

“Nhất tự vi sư”

Chia sẻ về câu chuyện thầy - trò, cô Huỳnh Thị Như Huỳnh - giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Bến Tre) kể: “Tôi nhớ nhất là thầy giáo dạy Toán của mình. Khi còn đi học, những ngày mưa, cha mẹ đón trễ, thầy chở tôi về. Trên quãng đường đó, thầy thường kể những câu chuyện truyền động lực để tôi học tốt hơn. Bây giờ, tôi cũng có những học sinh giống như tôi ngày trước. Tôi cũng tâm niệm rằng mình sẽ giúp các em cũng giống như khi xưa thầy tôi đã giúp tôi vậy”.

Một phần lý do, Huỳnh Thị Như Huỳnh chọn nghề giáo chính vì sự ngưỡng mộ những thầy cô của mình. Thông qua cách dạy của các thầy cô giáo cũ mà Như Huỳnh càng thêm mơ ước, quyết tâm trở thành giáo viên để truyền đạt kiến thức cho học sinh. “Tôi nghĩ rằng, mình đã luôn tâm huyết và dành tình yêu thương cho học sinh. Khi các em vấp ngã thì mình chọn cách để giúp các em đứng dậy. Có nhiều phương pháp giáo dục nhưng quan trọng là để các em hiểu mình đang gặp vấn đề gì, cần gì, thầy - trò có thể cùng mở lòng, chia sẻ với nhau. Từ đó, hoạt động giáo dục sẽ tốt hơn”, cô Huỳnh Thị Như Huỳnh chia sẻ.

Em Bùi Duyên An - học sinh lớp 12CB1, Trường THPT Huỳnh Tấn Phát (Bình Đại) cũng tâm sự, đầu năm lớp 11, tính cách của em khá ham vui. Trong công việc, học tập nếu như có được một người bạn “cùng tần số” với mình, thì em luôn bị mất tập trung, đùa giỡn. Hồi ấy, ngoài ham vui, bản thân em còn nhiều khiếm khuyết nhưng chưa nhận diện. Khi ấy, chính thầy Mai Hữu Thuần - Trợ lý thanh niên đã chỉ ra hạn chế và hướng dẫn, điều chỉnh. Nhờ vậy, Duyên An dần hoàn thiện hơn, kết quả học tập và các hoạt động phong trào cũng hiệu quả hơn.

“Thầy Thuần không những là người thầy, mà còn là người bạn, người luôn đồng hành cùng em và các bạn học sinh khác trong quá trình học tập và tham gia các hoạt động tại trường. Em thầm biết ơn và cảm kích thầy vô cùng”, em Bùi Duyên An bộc bạch.

Hay câu chuyện của em Phạm Trúc Quỳnh - học sinh lớp 10 Văn, Trường THPT Chuyên Bến Tre cũng là minh chứng cho tình cảm thiêng liêng - người thầy. Khi bắt đầu học cấp 3, Trúc Quỳnh bước vào môi trường khác thời THCS nhưng nhờ có cô chủ nhiệm rất chăm chút, quan tâm đến tâm trạng của mỗi bạn học sinh. “Cô không phải là người kêu học sinh làm mà lại là người cùng làm với chúng em trong các hoạt động. Cô làm cho em có sự thay đổi hơn về mối quan hệ giữa thầy và trò, có sợi dây gắn kết rất gần gũi. Cô luôn dành thời gian để lắng nghe chúng em và chia sẻ những trải nghiệm của cô. Cô biết cách để xoa dịu tâm lý của chúng em”, em Phạm Trúc Quỳnh cho hay.

Trong xã hội ngày nay, mối quan hệ giữa thầy - trò vẫn được duy trì, có sự kế thừa truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Khoảng cách giữa thầy và trò có thể gần gũi hơn so với trước đây, khi học sinh có thể chia sẻ, tâm sự với thầy cô của mình nhiều hơn. Thầy cô cũng có thể dành thời gian chia sẻ với các em nhiều hơn. Qua thời gian, mối quan hệ thầy - trò vẫn là điều thiêng liêng, đặc biệt.

Thiêng liêng hai tiếng “Người thầy”

Bến Tre không chỉ là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất mà còn giàu truyền thống văn hóa và hiếu học. Tỉnh đã có những nhà giáo đức độ, tài ba lưu danh lịch sử như: Nhà giáo Võ Trường Toản, cụ Nguyễn Đình Chiểu, Tiến sĩ đầu tiên của Nam Kỳ lục tỉnh Phan Thanh Giản. Để tri ân các thế hệ nhà giáo ưu tú, từ năm 1956, Bến Tre đã xây dựng “Đền thờ Ân sư tiền vãng” còn gọi là miếu “Tiên sư” (phường An Hội, TP. Bến Tre). Đền thờ nhằm tri ân quý thầy cô giáo đã có công trong sự nghiệp giáo dục của tỉnh lúc bấy giờ.

Hàng năm, vào dịp 20-11, đông đảo thế hệ học sinh, nhân dân và giáo viên đã tề tựu về đền thờ, thắp hương tưởng niệm các thế hệ nhà giáo đã mất. Đây là những thầy cô giáo đã có công trong ngành giáo dục giai đoạn kháng chiến. Đồng thời, cũng là dịp ôn lại truyền thống giáo dục tỉnh. Qua đó, giáo dục truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của bao thế hệ người dân Bến Tre; phát động giáo viên, học sinh có những hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhân ngày 20-11 hàng năm.

Em Trần Lê Mỹ Phúc - học sinh lớp 7 Trường THCS Hoàng Lam (TP. Bến Tre) chia sẻ: “Chúng em hiểu rằng “Tôn sư trọng đạo” là truyền thống vô cùng tốt đẹp của dân tộc. Các thế hệ học sinh phải luôn ghi nhớ công ơn thầy cô - những người đã từng yêu thương, dầy công truyền đạt tri thức và dạy dỗ, uốn nắn cho mình. Vì thế, mỗi học sinh cần cố gắng học tập tốt để không phụ lòng thầy cô”.

Trong bối cảnh đổi mới toàn diện giáo dục, người thầy với vai trò là người dẫn đường, định hướng và hỗ trợ để học sinh lĩnh hội được tri thức, phát triển các phẩm chất, năng lực để hình thành nhân cách. Trước những thay đổi của giáo dục trong bối cảnh mới đã đặt trên vai người thầy sứ mệnh lớn lao và đầy trọng trách, đòi hỏi mỗi giáo viên phải có những vai trò mới trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Theo cô Nguyễn Thị Diễm Phúc - giáo viên Trường Tiểu học Long Định (Bình Đại), mỗi giáo viên chú trọng việc dạy học phân hóa đối tượng, vận dụng tốt công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật dạy học. Phải có trách nhiệm trong việc xây dựng trường học văn hóa và gương mẫu trong tác phong, lối sống lành mạnh, giản dị, là tấm gương cho học sinh noi theo.

Dù ở đâu, vào thời điểm nào, nghề giáo luôn là nghề cao quý và người thầy luôn giữ vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Với sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu, các thầy giáo, cô giáo sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và phẩm chất cao quý của người thầy để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự nghiệp phát triển bền vững của tỉnh nhà.

“Để hoàn thành tốt trách nhiệm của nhà giáo, bản thân cần phát triển hơn nữa năng lực cá nhân và năng lực nghề nghiệp. Tu dưỡng rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp, luôn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

(Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo La Thị Thúy)

A.Nguyệt - Th. Đồng - Ph. Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN