Cán bộ y tế làm nhiệm vụ điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1. Ảnh: BV
Cố gắng hoàn thành nhiệm vụ
Hơn 1 tháng nay, các y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 1 (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh) vẫn luôn tất bật với công việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Nếu như trước đây, mỗi bệnh nhân điều trị có ít nhất một người nhà được phép ra, vào hỗ trợ chăm sóc, thì nay việc thăm, khám bệnh, chăm lo việc ăn uống của bệnh nhân đều do các y sĩ, bác sĩ phụ trách, nhằm hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm Covid-19.
Hơn 1 tháng tiếp nhận, điều trị là ngần ấy thời gian các y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 1 phải xa nhà, xa gia đình. Tham gia điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1, bác sĩ Đoàn Quang Hiển tranh thủ thời gian rảnh ít ỏi chia sẻ “trực tuyến”. Đầu bên kia điện thoại, bác sĩ Đoàn Quang Hiển cho biết: Ban đầu triển khai nhiệm vụ, Ban Giám đốc bệnh viện quan tâm hỗ trợ, phân chia công việc. Anh em gồng gánh một phần công việc để ít nhất 1 hoặc 2 người ra tua xoay vòng. Bệnh nhân ít, lực lượng thay nhau nghỉ nhưng thời điểm hiện tại số lượng tại bệnh viện luôn vượt 100 ca nên các bác sĩ phải làm việc xuyên suốt để đảm bảo công tác chăm sóc điều trị.
“Tình hình chung, nhân lực y tế còn mỏng nên bản thân chúng tôi đều cố gắng thu xếp chuyện gia đình để tập trung công tác điều trị. Khi vào điều trị gặp rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Có bệnh nhân rất nhỏ chỉ 4 tuổi hay sản phụ, ông bà lão cao tuổi. Những trường hợp này, các y, bác sĩ thay người nhà chăm sóc cho bệnh nhân. Chúng tôi gần như phải di chuyển liên tục, hoạt động hết công suất mỗi ngày mới có thể xử lý được hết toàn bộ công việc từ nhiệm vụ chuyên môn cho đến chăm sóc bệnh nhân”, bác sĩ Đoàn Quang Hiển chia sẻ.
Trong ngày làm việc, lực lượng chia nhau tiếp nhận bệnh mới, khám bệnh và một đội ứng trực. Đến giờ ăn, đội hậu cần sẽ chuyển thức ăn xuống bàn tiếp nhận của khu điều trị. Sau đó, điều dưỡng trong khu điều trị sẽ nhận và đi trực tiếp phân phát cơm cho từng phòng bệnh. Tần suất làm việc tăng bội lần so với việc điều trị bệnh chuyên khoa trước đây tại bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Phượng - bác sĩ điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) chia sẻ: “Khi nhận lệnh của Ban Giám đốc bệnh viện, bản thân tôi nhanh chóng sắp xếp hành trang để tham gia công tác điều trị với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Khi bước vào khu điều trị mọi thứ rất mới, bởi điều trị bệnh y học cổ truyền khác với bệnh Covid-19. Từ những cái mới, bản thân tôi cố gắng, trong quá trình làm việc học hỏi thêm các bác sĩ được điều động hỗ trợ từ Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (BVNĐC)”.
Với áp lực của công việc mới, Bệnh viện dã chiến số 2 tập trung nhân lực thực hiện chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tại khu cách ly điều trị. Song song đó, bệnh viện lên kế hoạch phân chia đội ngũ vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, vừa tham gia hỗ trợ nhập liệu làm hồ sơ bệnh án sạch. Dù khối lượng công việc của nhân viên y tế tại các bệnh viện tăng lên gấp nhiều lần nhưng tất cả quyết tâm nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ.
Nỗ lực vượt khó
Là “anh cả” trong “ngôi nhà y tế” tỉnh, thời gian qua, BVNĐC đã tăng cường lực lượng chi viện cho các bệnh viện dã chiến để hỗ trợ chuyên môn, góp phần tăng hiệu quả điều trị, nhằm giảm tải cho tuyến cuối. Riêng BVNĐC đảm trách nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Dù còn nhiều khó khăn nhưng các y sĩ, bác sĩ tại các bệnh viện đã và đang nỗ lực quyết liệt bằng nhiều biện pháp điều trị phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới.
Cùng với số lượng bệnh nhân Covid-19 ngày một gia tăng, BVNĐC chịu sự “tấn công” của dịch Covid-19. Mới đây, bệnh viện ghi nhận hơn 10 ca nhiễm, khó khăn chồng tiếp khó khăn. Để vượt qua thách thức trong giai đoạn này, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía bệnh viện và lực lượng y sĩ, bác sĩ. Thay vì chỉ làm tốt công việc chuyên môn của mình như trước đây, họ phải đồng thời xử lý một lúc nhiều công việc để có thể làm tốt “nhiệm vụ kép”, vừa đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh, vừa chống dịch hiệu quả.
Theo Giám đốc BVNĐC Trình Minh Hiệp, bệnh viện luôn xác định tính mạng bệnh nhân là trên hết. Vì vậy, việc quan trọng hàng đầu chính là cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân. Bệnh viện đã khoanh vùng những khoa có ghi nhận ca nhiễm Covid-19 và khử khuẩn để sớm trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới. Bên cạnh đó, bệnh viện duy trì hoạt động khu điều trị bệnh nhân Covid-19. Lực lượng y sĩ, bác sĩ của bệnh viện đã dồn toàn lực, làm việc không kể ngày đêm và cứu được nhiều trường hợp bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch nhất.
Trước diễn biến các ca nhiễm tại BVNĐC, bệnh viện tập trung tất cả nguồn lực để đảm bảo lực lượng y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế, nhằm làm tốt công tác khám chữa bệnh và thực hiện phòng chống dịch một cách hiệu quả nhất. Với những nỗ lực vượt khó, cùng với ngành y tế tỉnh, BVNĐC quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi Covid-19.
“Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hầu hết các bệnh viện trong tỉnh đều gặp áp lực khi bệnh nhân Covid-19 gia tăng. Số lượng bệnh nhân đông, lực lượng y sĩ, bác sĩ phải nỗ lực gấp 3 - 4 lần bình thường để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, Ban Giám đốc Sở Y tế luôn động viên anh chị em cố gắng, nỗ lực hơn nữa vì sức khỏe của người dân. Chia sẻ với đội ngũ tuyến đầu, mọi người hãy tuân thủ nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg và thực hiện tốt “5K+vắc-xin” để sớm kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh”.
(Giám đốc Sở Y tế Ngô Văn Tán)
|
Phan Hân