Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh chủ trì và chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến.
Bệnh VDNC xảy ra trên địa bàn tỉnh được ghi nhận đầu tiên tại 1 hộ chăn nuôi bò thuộc ấp Phú Lợi, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri với 4/9 con vào ngày 6-8-2021. Bò bệnh với các triệu chứng: Sốt cao, biếng ăn, ăn ít, miệng chảy nước bọt, có nhiều nốt sần với kích thước khác nhau ở các vị trí khác nhau trên cơ thể.
Tính từ ngày 6-8-2021 đến 8-9-2021, toàn tỉnh đã xảy ra 21 ổ dịch VDNC, tại 14 ấp của 9 xã thuộc 3 huyện: Ba Tri, Giồng Trôm và Bình Đại. Tổng số bò mắc bệnh là trên 50 con/159 con bò đang nuôi tại các ổ dịch. Hiện tại, các con bò bệnh được cách ly điều trị và đang phục hồi tốt, không có bò chết.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội cho biết: Hiện bệnh VDNC xảy ra tại 3 huyện: Ba Tri, Giồng Trôm và Bình Đại đã được kiểm soát tốt, dịch bệnh không xảy ra diện rộng, các ổ dịch VDNC xuất hiện rãi rác, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ và chưa gây thiệt hại nặng.
Qua xác minh các ổ dịch bệnh VDNC, đàn bò (chưa được tiêm phòng) có nguồn lây từ các thương lái trong địa bàn huyện. Một số cơ sở chăn nuôi chưa đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi, chưa có biện pháp an toàn phòng trừ dịch bệnh xâm nhiễm từ côn trùng hút máu truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng). Đối với nguồn truyền lây bệnh VDNC tại huyện Giồng Trôm và Bình Đại có thể do côn trùng hút máu truyền bệnh từ các xã có dịch tại huyện Ba Tri. Bệnh có thể nhanh chóng lây lan ra tại các xã do tỷ lệ tiêm phòng còn thấp.
Hiện nay, giải pháp quan trọng nhất trong phòng bệnh VDNC là tiêm phòng vắc-xin nhưng tỷ lệ tiêm còn rất thấp, với trên 38% tổng đàn trâu bò. Một số địa phương tiêm phòng khá tốt là Ba Tri trên 56%, Mỏ Cày Nam trên 60%. Hợp tác xã bò sữa Bến Tre đã tiêm vắc-xin trên đàn bò đạt 100%. Một số địa phương đạt tỷ lệ tiêm phòng thấp như Thạnh Phú 8,8%, Giồng Trôm trên 8%.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh nhận định: Tình hình lây lan của dịch bệnh đang diễn biến rất nhanh. Do đó, đề nghị các địa phương tập trung đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh VDNC, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết các thông tin liên quan về bệnh, cũng như tác hại, cách phòng, trị bệnh, từ đó quan tâm chủ động tiêm ngừa cho đàn trâu bò của hộ nuôi. Cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm từ xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, Hợp tác xã bò sữa Bến Tre và huyện Mỏ Cày Nam trong công tác phòng, chống bệnh và tiêm phòng bệnh VDNC. Tăng cường xã hội hóa cho công tác tiêm phòng và tiêu độc khử trùng. Tỉnh chỉ hỗ trợ kinh phí tiêm vắc-xin cho những xã đang có dịch. Rà soát nguồn kinh phí ngân sách đã cấp cho ngành nông nghiệp nhưng chưa thực hiện giải ngân do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 thì có thể điều chuyển sang hỗ trợ tiêm phòng vắc-xin, tiêu độc khử trùng cho hộ nuôi vùng dịch. Phấn đấu đến giữa tháng 10-2021 toàn tỉnh tiêm phòng đạt 90% trên tổng đàn và không còn phát sinh ổ dịch mới.
Các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn trong công tác phòng chống, ngăn dịch bệnh lây lan. Ngành nông nghiệp, các huyện, các xã tập trung hỗ trợ kiểm tra đối với việc tiêm phòng vắc-xin; hỗ trợ lực lượng nhân viên thú y cho các xã đang thiếu người; có khen thưởng, kỷ luật đối với trường hợp cụ thể; tổ chức các buổi tập huấn nhằm hướng dẫn thú y, địa phương và người dân về cách phòng, trị bệnh VDNC bằng hình thức trực tuyến; kịp thời phản ánh khó khăn để có giải pháp hỗ trợ…Tăng cường kiểm soát công tác giết mổ, vận chuyển trâu bò vào địa bàn tỉnh, nhất là kiểm soát chặt các cửa ngõ của tỉnh, không để xảy ra tình hình nhập trâu bò bệnh vào tỉnh dẫn đến lây lan.
Tin, ảnh: Cẩm Trúc