Tập trung phát triển bền vững ngành dừa

23/10/2024 - 05:23

BDK - Tỉnh có diện tích trồng dừa trên 79.000ha, chiếm gần 40% tổng diện tích dừa cả nước. Cây dừa được công nhận là cây công nghiệp chủ lực, là cây trồng có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Do vậy, tỉnh luôn quan tâm tìm kiếm mô hình phát triển thích hợp cho ngành dừa của địa phương, gắn với xây dựng nền nông nghiệp sạch, hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sơ chế dừa ở xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Huỳnh Quang Đức, tại tỉnh, cây dừa đã gắn bó lâu đời với người dân xứ Dừa, từ diện tích khoảng 4.000ha vào những năm cuối thế kỷ IXX, tăng lên gần 79.900ha vào năm 2024, khẳng định vị thế là ngành hàng chủ lực của tỉnh. Diện tích vườn dừa phát triển mạnh nhờ vào sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, nông dân và những thay đổi đột phá của ngành công nghiệp chế biến dừa và sự hình thành cộng đồng doanh nghiệp ngành dừa của địa phương. Đến nay, nhiều sản phẩm từ dừa như cơm dừa nạo sấy, nước cốt dừa, nước dừa đóng lon, sữa dừa, dầu dừa tinh khiết, than hoạt tính, mỹ phẩm, chỉ thảm xơ dừa đã xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Mặc dù diện tích vườn dừa của tỉnh lớn, các cơ sở sản xuất và chế biến sản phẩm từ dừa trên địa bàn tỉnh đa dạng, thu nhập bình quân từ dừa khá nhưng mức thu nhập này không ổn định, còn phụ thuộc nhiều vào mùa vụ và thời tiết. Bên cạnh đó, sự đóng góp của ngành dừa chưa tương xứng với tiềm năng và còn hạn chế trong cơ cấu thu nhập chung của nông hộ. Chưa tạo được sự quan tâm, thu hút lao động trẻ tham gia vào hoạt động sản xuất và làm giàu trên mảnh đất trồng dừa. Vì vậy, tỉnh luôn quan tâm tìm kiếm mô hình sản xuất tổng hợp, đa dạng để cải thiện và nâng cao sinh kế nông hộ trồng dừa, sử dụng hiệu quả diện tích đất nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sạch, hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giữ vững được vị thế của địa phương trên “bản đồ dừa thế giới”.

Trong xu hướng bối cảnh biến đổi khí hậu, việc gia tăng xâm nhập mặn và lũ lụt bất thường là những đe dọa cho những vùng cây trái, trong đó có diện tích trồng dừa. Dừa là loại cây trồng được đánh giá có khả năng chịu mặn và chịu ngập tốt hơn so với các loại cây trồng khác.

Từ các mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Chương trình số 08-CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đặc biệt, tiếp thu Đề án Phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 của Bộ NN&PTNT, ngành NN&PTNT đã triển khai thực hiện gắn với tập trung vào các nhiệm vụ để phát triển ngành dừa của tỉnh.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, diện tích trồng dừa trên địa bàn tỉnh tăng nhanh từ 51.560ha năm 2010 lên 77.232ha năm 2022, chiếm 39,7% tổng diện tích dừa cả nước. Diện tích trồng dừa tăng nhanh qua từng năm và ước đạt 79.900ha vào cuối năm 2024, cho sản lượng 708 triệu trái. Năng suất dừa của tỉnh thuộc vào nhóm cao, đạt mức 9.863 trái/ha/năm, tương đương 1,9 tấn copra/ha, cao hơn mức bình quân của các nước thuộc Hiệp hội Dừa Châu Á - Thái Bình Dương. Các nghiên cứu gần đây đều khẳng định vị thế trung tâm của tỉnh trên bản đồ ngành dừa cả nước và khu vực, dừa là cây công nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế của tỉnh.

“Trên địa bàn tỉnh có trên 250 ngàn hộ dân trồng dừa với diện tích bình quân 0,4ha/hộ. Ước tính đến năm 2016 có khoảng 40% nông dân có hoạt động liên quan đến cây dừa, thu nhập từ dừa chiếm 72% thu nhập của nông hộ. Về kỹ thuật, chủ yếu là bón phân, bồi bùn hàng năm. Thành quả đáng chú ý nhất là ứng dụng công nghệ sinh học phòng trừ bọ cánh cứng và phát triển các loại hình canh tác tổng hợp trong vườn dừa (dừa xen ca cao, chanh, cây có múi, măng cụt, nuôi tôm cá trong mương dừa, nuôi ong mật trong vườn dừa). Đồng thời, tiếp nhận chuyển giao quy trình nhân giống dừa bằng phương pháp “nuôi cấy mô và nuôi cấy phôi” và tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ, thực hành ủ phân hữu cơ cho các hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất dừa hữu cơ, xây dựng mô hình sản xuất dừa ứng dụng các nguyên lý của kinh tế tuần hoàn”.  

(Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức)

Bài, ảnh: H. Phương  

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN