BDK - Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định nhiệm vụ đột phá là tập trung phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu và tầm nhìn chiến lược phát triển của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Qua 3 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030, đến tháng 8-2024, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt.
Nguồn nhân lực ngành y tế đang thiếu gây khó khăn khi cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng.
Đào tạo có định hướng
Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định nhiệm vụ đột phá là tập trung phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu và tầm nhìn chiến lược phát triển của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp ngang tầm nhiệm vụ, nhất là cấp ủy viên và người đứng đầu. Từ đó, “Đề án Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030” ra đời.
Từ những dự báo về nguồn lực lao động (LĐ) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030, cộng với định hướng về ngành kinh tế mũi nhọn và một số lĩnh vực quan trọng, chủ lực mang tính đột phá của tỉnh đang cần tập trung phát triển, các chỉ tiêu đề án được đưa ra. Việc thực hiện các chỉ tiêu này nhằm phục vụ mục tiêu phát triển nguồn nhân lực tỉnh có quy mô, cơ cấu, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong điều kiện hội nhập, tạo ra lực lượng LĐ có trình độ, kỹ năng, kỹ thuật ngày càng đáp ứng nhu cầu LĐ qua đào tạo cho các chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh và các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.
3 năm qua, cả hệ thống chính trị đã quyết tâm thực hiện đồng bộ công tác phát triển nguồn nhân lực và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Một số chỉ tiêu của Đề án số 06-ĐA/TU đề ra đã có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Cụ thể, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học 100%, THCS 99,88% đạt chỉ tiêu sớm hơn quy định. Tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 66,55%, trong đó tỷ lệ LĐ qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ 36,9%. Mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 20 ngàn LĐ (từ năm 2021 - 2023 giải quyết việc làm cho 62.601 LĐ) đạt chỉ tiêu đề ra.
Đội ngũ cán bộ, công chức, lãnh đạo quản lý đáp ứng đầy đủ 100% tiêu chuẩn theo quy định trước khi bổ nhiệm. Các chức danh lãnh đạo như: Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bến Tre, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đạt trình độ chuyên môn theo chỉ tiêu đề ra. Cán bộ, công chức, viên chức được bố trí 100% theo đúng vị trí việc làm, năng lực, sở trường của công chức, viên chức đạt chỉ tiêu đề ra. Đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân tài, nhân lực có trình chuyên môn kỹ thuật cao.
Những chuyển biến tích cực
Ở khu vực công, thực hiện “Đề án Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030”, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 6773/KH-UBND ngày 15-10-2021 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và đã triển khai thực hiện hàng năm. Bên cạnh đó, công tác rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy được thực hiện nghiêm, giảm mạnh đầu mối, giảm cấp trung gian, tinh gọn bộ máy gắn với rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, dần khắc phục được sự chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ, trong giai đoạn 2021 - 2023 đã sắp xếp giảm được 912 biên chế sự nghiệp. Hiện tại, tỉnh đang xây dựng nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo nguồn cán bộ tỉnh dự kiến trình HĐND tỉnh ban hành trong năm 2024.
Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, trong giai đoạn 2021 - 2023, hợp tác, liên kết với 21 trường đại học, cao đẳng chất lượng trong và ngoài nước trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ cho 1.333 lượt người tham gia, thông qua các hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đồng thời, tạo điều kiện cho 16 chuyên gia là người nước ngoài có trình độ khoa học kỹ thuật cao đến làm việc, nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ vào trong sản xuất, kinh doanh.
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, hàng năm, UBND tỉnh có ban hành kế hoạch nâng cao trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS; kế hoạch nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2021 - 2025. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, gồm: Huy động trẻ 0 - 2 tuổi vào nhà trẻ đạt 17,55%. Tỷ lệ huy động trẻ từ 3 - 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 86,67%, trong đó trẻ 5 tuổi đến trường đạt 99,98%. Huy động trẻ trong độ tuổi tiểu học đi học đạt 100% và học sinh trong độ tuổi tiểu học hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,96%. Huy động trẻ trong độ tuổi THCS đi học đạt 97,95%. Học sinh hoàn thành chương trình THCS đạt 99,88%. Bên cạnh đó, công tác phát triển nguồn nhân lực trong khu vực kinh tế, phát triển nguồn nhân lực trong xã hội cũng ghi nhận nhiều kết quả chuyển biến tích cực.
Sau 3 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030, một số hạn chế đã được tỉnh nhận diện như: Số lượng cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học tập trung nhiều vào các ngành khoa học xã hội, đối với các ngành theo mục tiêu đề án thì rất ít được đăng ký hoặc tham gia đào tạo. Giáo viên vẫn còn thiếu nhiều, đặc biệt là ở bậc học mầm non. Cơ sở vật chất trường lớp và trang thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn lạc hậu so với sự phát triển. Nguồn kinh phí đào tạo trong lĩnh vực y tế còn hạn chế, nguồn nhân lực ở một số đơn vị còn thiếu, lượng bệnh ngày càng đông, dịch bệnh phức tạp, công việc quá tải đã gây khó khăn khi cử cán bộ ngành y tế đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nhất là đối với các lĩnh vực chuyên khoa sâu, tiếp cận và tiếp nhận kỹ thuật cao. Công tác phối hợp, liên kết đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế nhất định.
Phương hướng trong thời gian tới, tỉnh sẽ rà soát nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường công tác liên kết đào tạo các lớp trung cấp tại các huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú, trong đó tập trung đào tạo các ngành thế mạnh và tiềm năng về biển như: nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, điện công nghiệp, cơ khí, công nghệ ô-tô, du lịch, năng lượng tái tạo… để cung ứng cho Khu công nghiệp Phú Thuận và các cụm công nghiệp vùng biển.