Tập trung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã

10/05/2024 - 05:35

BDK - Thời gian qua, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản của Trung ương đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất, quy định các nội dung khá đầy đủ về quy trình, thủ tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) để triển khai trên phạm vi cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng. Căn cứ quy định của Trung ương và chỉ đạo của địa phương, UBND tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, có trách nhiệm trong sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh.

Theo phương án tổng thể, sẽ sáp nhập Phường 4, Phường 5 vào phường An Hội (TP. Bến Tre).

Theo phương án tổng thể, sẽ sáp nhập Phường 4, Phường 5 vào phường An Hội (TP. Bến Tre).

Phương án tổng thể

Tỉnh có diện tích tự nhiên 2.379,7km, quy mô dân số 1.646.967 người; có 9 ĐVHC cấp huyện (gồm 8 huyện và 1 thành phố); 157 ĐVHC cấp xã (gồm 139 xã, 8 phường và 10 thị trấn). Thời gian qua, công tác quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025 được tỉnh quan tâm thực hiện.

Theo Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, tổng số ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp là 15 đơn vị (11 xã, 3 phường, 1 thị trấn); cụ thể phương án như sau: Nhập Phường 4, Phường 5 vào phường An Hội (TP. Bến Tre); nhập xã An Khánh vào thị trấn Châu Thành (huyện Châu Thành); nhập xã Phú An Hòa, xã An Phước và xã An Hóa (huyện Châu Thành); nhập xã Sơn Hòa, xã An Hiệp và xã Tường Đa (huyện Châu Thành); nhập xã Phú Vang vào xã Lộc Thuận (huyện Bình Đại); nhập xã Tân Mỹ vào xã Mỹ Hòa (huyện Ba Tri). ĐVHC cấp xã sẽ giảm 9 đơn vị (7 xã, 2 phường).

Về việc đánh giá sơ bộ chất lượng của ĐVHC đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp (phương án nhập xã An Khánh vào thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành), UBND huyện Châu Thành rà soát, đánh giá tiêu chuẩn đô thị loại V đối với thị trấn Châu Thành mở rộng theo quy định. Qua rà soát, cơ sở hạ tầng đô thị đối với thị trấn Châu Thành mở rộng cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Dự kiến, các vấn đề phát sinh khi thực hiện phương án sắp xếp ĐVHC, bao gồm: Sắp xếp bộ máy sẽ thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan Trung ương về sắp xếp lại các tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp và các hội quần chúng tại địa phương. Số lượng trụ sở công dôi dư khi sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 - 2025 sẽ nhiều (dự kiến giảm 9 ĐVHC cấp xã), do đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND cấp huyện có sắp xếp ĐVHC phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh rà soát, xây dựng phương án sử dụng phù hợp khi xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC, hiện các địa phương đang rà soát đề xuất phương án.

Số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp sẽ nhiều (giảm 9 bộ máy cấp xã, có 3 trường hợp nhập 3 ĐVHC cấp xã), riêng đối với huyện Châu Thành giảm 5 bộ máy nên công tác sắp xếp, bố trí nhân sự sau khi sắp xếp ĐVHC còn gặp khó khăn. Hiện nay, các địa phương đang lập phương án sắp xếp, bố trí nhân sự để đảm bảo thực hiện tốt việc sắp xếp ĐVHC trên địa bàn.

Cần sự quyết tâm của người đứng đầu

Việc sáp nhập ĐVHC cấp huyện, xã có ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, đời sống của nhân dân và đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách các đơn vị sáp nhập. Do đó rất cần sự quyết tâm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cả hệ thống chính trị vào cuộc và nhân dân đồng tình ủng hộ để chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 sẽ sớm hoàn thành.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện công tác sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, công tác xây dựng phương án sắp xếp, bố trí nhân sự của các ĐVHC cấp xã sau sáp nhập gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư khá lớn. Quy trình tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung; lập chương trình phát triển đô thị, lập đề án công nhận đạt chuẩn đô thị... phải mất nhiều thời gian để thực hiện, khó đảm bảo về mặt thời gian khi trình Đề án sắp xếp ĐVHC. Hiện chưa có định mức chi cụ thể cho các công việc liên quan đến xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC, do đó, địa phương gặp khó khăn trong việc đề xuất nhiệm vụ chi và định mức chi về việc sắp xếp ĐVHC. Các quy định về nhiệm vụ chi và định mức chi của Trung ương chưa cụ thể, nên địa phương còn lúng túng và gặp khó khăn trong xác định cơ sở để đề xuất đối với các nhiệm vụ chi và định mức chi phục vụ cho công tác này.

Từ thực tế trên, UBND tỉnh kiến nghị Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể nội dung và mức chi cho công tác sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã để các địa phương có cơ sở thực hiện. Đồng thời có hướng dẫn việc giao số lượng biên chế ở các ĐVHC cấp tỉnh, cấp huyện có ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp ĐVHC. Khi giảm số lượng ĐVHC cấp xã cần có thời gian để giảm số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã để phù hợp với lộ trình sắp xếp.

Bài, ảnh: Phương Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN