Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù

23/07/2018 - 07:07

BDK - Bàn về vấn đề liên kết để phát triển, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ cho rằng: “Trước hết, Bến Tre phải xác định điểm đặc thù của mình là gì, du lịch Bến Tre khác các địa phương khác điều gì, đó mới chính là điểm mấu chốt để liên kết có hiệu quả”.

Du khách chọn mua các sản phẩm lưu niệm thủ công mỹ nghệ tại khu du lịch Cồn Phụng.

Du khách chọn mua các sản phẩm lưu niệm thủ công mỹ nghệ tại khu du lịch Cồn Phụng.

Sản phẩm du lịch

Thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã có chủ trương cụ thể qua Chương trình hành động số 22-CTr/TU, Kế hoạch số 4573/KH-UBND. Theo đó, tỉnh xác định sẽ phát triển đa dạng du lịch xứ Dừa, dựa vào tiềm năng tự nhiên và văn hóa, con người Bến Tre.

Định vị thương hiệu “du lịch xứ Dừa”, tỉnh xây dựng 8 nhóm sản phẩm du lịch, bao gồm: du lịch sinh thái sông nước miệt vườn; du lịch tham quan nghiên cứu lịch sử; du lịch tâm linh; du lịch cộng đồng gắn với tham quan làng nghề; du lịch biển gắn với hệ sinh thái rừng ngập mặn, du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí; du lịch MICE; thưởng thức văn hóa ẩm thực xứ Dừa.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 76 điểm đón khách, hơn 110 cơ sở ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Lưu trú đảm bảo 5.000 khách/ngày đêm đạt chuẩn. Hàng năm, tỉnh đón, phục vụ khoảng 1 triệu khách, có 43% là khách quốc tế. 6 tháng đầu năm 2018, đón gần 840 ngàn lượt khách, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2017, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 676 tỷ đồng, tăng 26%. Đây là tín hiệu vui cho du lịch tỉnh.

Nhiều công ty lữ hành, du lịch lớn và uy tín như Saigontourist, Bến Thành Tourist, Vietravel cũng đánh giá du lịch tỉnh có sự linh động và chịu khó hợp tác với các doanh nghiệp để phát triển, đổi mới sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp cũng như nhiều du khách trở lại tỉnh sau một thời gian đã nhận thấy những thay đổi tích cực, du lịch tỉnh đang nỗ lực tự làm mới mình, biết lắng nghe để trở nên tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Một đại diện của Công ty lữ hành Saigontourist nêu: “Bến Tre đã đang làm được nhiều điều để phát triển du lịch. Không có lời phàn nàn về chất lượng dịch vụ nhưng tại sao du khách đã đến một lần nhưng không quay lại Bến Tre nữa? Phải chăng họ không tìm thấy điều gì mới, điều gì hấp dẫn để có thể trở lại nhiều lần hơn. Giá dịch vụ ở đây rất rẻ nhưng chính vì vậy, ngành du lịch tỉnh sẽ không thu được nhiều từ du khách. Chúng ta chưa có nhiều sản phẩm cao cấp để phục vụ du khách”.

Ông Lê Thanh Phong - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long nói: “Xu hướng thế giới là sản phẩm du lịch phải hiện đại. Hiện đại nghĩa là theo kịp xu hướng của thời đại, chứ không phải là bê-tông hóa, để đáp ứng được “trái tim” của du khách. Bản chất của du khách là lãng mạn, phải khai thác “trái tim” của họ. Sản phẩm du lịch phải ấn tượng, phải đậm chất văn hóa, phải xây dựng được điểm đặc thù mà những nơi khác không có”.

Du khách trải nghiệm cho cá bú bình tại Khu du lịch Cồn Phụng.

Du khách trải nghiệm cho cá bú bình tại Khu du lịch Cồn Phụng.

Lấy dừa làm chủ đạo

Để góp phần thúc đẩy du lịch tỉnh phát triển nhanh và mang tính bền vững, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức tọa đàm “Bến Tre mở rộng liên kết phát triển du lịch”. Buổi tọa đàm có sự tham dự của nhiều lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, hiệp hội du lịch Trung ương và các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh.

Bàn về xây dựng điểm nhấn cho du lịch Bến Tre, ông Đỗ Tuấn Anh - Giám đốc Công ty VietMark (TP. Hồ Chí Minh), hoạt động trên lĩnh vực du lịch, thiết kế, tổ chức sự kiện, hội nghị góp ý: “Điểm mạnh của chúng ta là thương hiệu xứ Dừa, đó cũng chính là điểm nhấn khác biệt của du lịch Bến Tre so với những địa phương khác. Cần xây dựng hình ảnh về xứ Dừa một cách thật cụ thể, làm sao để tất cả mọi điều về du lịch ở địa phương phải xoay quanh hình ảnh cây dừa, để tạo cho du khách cảm giác đã đến được xứ Dừa. Đó có thể là sự đồng bộ về màu áo của các hướng dẫn viên tại địa phương, chất liệu dừa được sử dụng trong kiến trúc, bài trí, vật dụng các điểm du lịch, giới thiệu về hình ảnh cây dừa, các nếp sinh hoạt, lao động dưới bóng dừa… để du khách được đến du lịch ở một không gian “thấm đẫm” hình ảnh của dừa”.

Thời gian qua, dừa đã được khai thác để phục vụ du lịch với nhiều hình thức: sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa với các cơ sở sản xuất quy mô lớn như Kim Tứ, Ngọc Tuấn, Phúc Sang (Châu Thành), Trường Ngân, Thanh Liêm (Mỏ Cày Nam); ẩm thực từ dừa với trên 300 món ăn phong phú, tiêu biểu như cơm trái dừa, tôm rim nước dừa hay gỏi củ hủ dừa… được đưa vào thực đơn của các nhà hàng, quán ăn phục vụ khách du lịch. Các sản phẩm kẹo dừa, mứt dừa, rượu dừa được phát triển về mùi vị, bao bì, mẫu mã. Cùng sản phẩm mới lạ như dừa dứa nướng Ba Đốt (Châu Thành) cũng nhận được những phản hồi tích cực từ du khách.

“Chúng ta cần làm tinh tế hơn các sản phẩm của mình đang có, làm sao phải chạm được đến cảm xúc của du khách. Những câu chuyện về xứ dừa, văn hóa ẩm thực xứ dừa, không gian sinh hoạt bình dị của người dân địa phương, những đặc sản mà chỉ đến Bến Tre mới có sẽ giúp xây dựng cảm xúc trong lòng du khách”, chị Tạ Thị Tú Uyên - Phó giám đốc Ban Sản phẩm và dịch vụ, Công ty Du lịch Vietravel nêu ý kiến.

Đại diện của Công ty Du lịch Vietravel cũng thông tin thêm xu hướng của du khách hiện nay rất quan tâm đến các sản phẩm làm đẹp từ dừa như tinh dầu dừa, các loại mỹ phẩm dừa. Điều này có thể gợi mở hướng đầu tư cho các doanh nghiệp ở tỉnh về dịch vụ làm đẹp, thẩm mỹ, chăm sóc sức khỏe với dừa gắn với hoạt động du lịch tại các khu du lịch để du khách được thưởng thức nhiều hơn các giá trị từ dừa.

Chăm chút hơn những sản phẩm du lịch đã có, đầu tư thêm cho những điểm du lịch đã có chính là một trong những điều đầu tiên mà du lịch tỉnh cần làm bây giờ để nâng tầm hơn thương hiệu sản phẩm du lịch tỉnh nhà. Quan tâm đảm bảo an toàn trong vận chuyển khách và các hoạt động vui chơi tại các điểm du lịch.

“Du lịch hấp dẫn phải đạt 3 yêu cầu. Đó là phải để cho du khách khám phá cái mới, được trải nghiệm hoạt động thực tế để làm giàu tri thức và đạt được cảm xúc qua tương tác với con người địa phương. Làm được những điều này chính là đã làm du lịch hiệu quả”, ông Nguyễn Hữu Thọ nhấn mạnh.


Bài, ảnh: Hạnh Linh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN