Thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội năm 2021 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022

18/01/2022 - 18:15

BDK - Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2021 - 2025. Quán triệt sâu sắc tinh thần “Đồng thuận - Sáng tạo” và phương châm hành động “Chính quyền mạnh, trách nhiệm cao, sáng tạo, phục vụ nhân dân và đồng hành cùng doanh nghiệp”, ngay từ đầu năm, cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh nhà đã đoàn kết, nỗ lực quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ phát triển toàn diện KT-XH theo kế hoạch đề ra. Mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động nặng nề đến đời sống nhân dân và mọi hoạt động phát triển KT-XH của địa phương, nhưng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tỉnh nhà đã đồng lòng, chung sức khắc phục khó khăn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tình hình KT-XH từng bước được phục hồi, giữ mức tăng trưởng GRDP dương cả năm, đứng thứ 7/13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đảm bảo công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam (thứ 4, trái sang) tiếp và làm việc với Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) về đề xuất các dự án Tổng công ty dự kiến đầu tư tại tỉnh. Ảnh: Cẩm Trúc

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam (thứ 4, trái sang) tiếp và làm việc với Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) về đề xuất các dự án Tổng công ty dự kiến đầu tư tại tỉnh. Ảnh: Cẩm Trúc

Phục hồi và phát triển kinh tế

Sản xuất nông nghiệp đóng vai trò trụ đỡ kinh tế tỉnh nhà, duy trì ở mức tăng trưởng khá, cả năm đạt 3,09%. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng khu vực nông, lâm, thủy sản đạt 8,24%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên quá trình sản xuất, tiêu thụ trong quý III, quý IV gặp nhiều khó khăn. Với sự nỗ lực vượt bậc của toàn ngành nông nghiệp, đặc biệt sự nhạy bén, linh hoạt của người dân, tình hình sản xuất khu vực I trong những tháng cuối năm vẫn duy trì được kết quả khá và đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng chung của tỉnh. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 11.905 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp ước 6.499 tỷ đồng, tăng 4,82%; lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ước đạt 5.378 tỷ đồng, tăng 1,09%.

Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh đạt những kết quả tích cực. Với quyết tâm cao nhất, năm 2021, tỉnh công nhận thêm 12 xã đạt chuẩn NTM và 13 xã đạt NTM nâng cao, các chỉ tiêu này đều vượt cao so với nghị quyết đề ra. Đến nay, toàn tỉnh có 63 xã được công nhận xã NTM, trung bình đạt tiêu chí trên xã là 16,43 tiêu chí; huyện Chợ Lách đạt chuẩn huyện NTM, TP. Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Khu vực công nghiệp - xây dựng  chịu nhiều tác động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm, khu vực II có mức tăng trưởng tích cực, đạt 5,24%. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm, khu vực này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhất là trong thời gian tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn khi thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, dẫn đến kết quả tăng trưởng chưa đạt kế hoạch đề ra. UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân. Nhờ đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh từng bước phục hồi trong những tháng cuối năm. Đặc biệt đã khánh thành Nhà máy điện gió V1-3 Bến Tre, công suất 30MW. Đây là công trình điện gió đầu tiên được vận hành thương mại của tỉnh, cùng với các nhà máy điện gió khác đã đưa vào vận hành thương mại gần 100MW, đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Hoạt động thương mại, dịch vụ có sự phục hồi đáng kể trong những tháng cuối năm với sự triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp kích cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa thông qua môi trường thương mại điện tử gắn kết với các loại hình thương mại truyền thống. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 49.556 tỷ đồng, tăng 1,13% so với cùng kỳ.

Với phương châm “đồng hành cùng DN”, tỉnh xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Với sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp vị trí thứ 8/63 tỉnh/thành, thuộc nhóm điều hành tốt. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp hạng thứ 44, tăng 19 bậc so với năm 2019. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) xếp hạng thứ 20, tăng 1 bậc so với năm 2019. Đặc biệt trong điều kiện phòng chống dịch bệnh, lãnh đạo tỉnh đã kết nối với Bộ Ngoại giao, Đại sứ các nước để kết nối xuất khẩu và kêu gọi đầu tư vào tỉnh trong thời gian tới. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, bằng sự nỗ lực và quyết tâm của các cấp, các ngành, huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong năm 2021 ước đạt 19.036 tỷ đồng, xấp xỉ so với cùng kỳ và đạt 83,77% kế hoạch.

Trong năm 2021, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh vượt chỉ tiêu đề ra; đảm bảo kịp thời nhu cầu chi phòng chống dịch Covid-19, an sinh xã hội và các nhiệm vụ chi cần thiết, cấp bách. Thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 5.707 tỷ đồng, đạt 116,5% dự toán Trung ương giao và đạt 110,3% dự toán địa phương phấn đấu, bằng 103,2% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách cả năm 11.189 tỷ đồng, đạt 111,8% dự toán Trung ương giao và đạt 108,8% dự toán địa phương phấn đấu.

Công tác chi hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện khá kịp thời. Đến nay, tỉnh đã chi hỗ trợ cho 229.512 người lao động; 9.151 hộ kinh doanh và DN, tổng số tiền 341.528 triệu đồng.

Văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực

Hoạt động xây dựng đời sống, văn hóa và phòng chống bạo lực gia đình được triển khai thường xuyên, đồng thời đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam. Tỉnh đã tổ chức thành công lễ tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Công dân Đồng Khởi”, “Công dân Đồng Khởi danh dự” lần thứ I năm 2021 với 3 cá nhân “Công dân Đồng Khởi” và 5 cá nhân “Công dân Đồng Khởi danh dự” (có 3 người nước ngoài) nhằm biểu dương các cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển chung của tỉnh trên các lĩnh vực. Đặc biệt, Đại hội đồng UNESCO đã công nhận Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu và tiến tới tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 200 năm Ngày sinh danh nhân vào ngày 1-7-2022.

Ngành giáo dục kịp thời điều chỉnh khung thời gian, chương trình năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 phù hợp diễn biến dịch bệnh. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được triển khai và thực hiện tốt; chất lượng các cấp học được duy trì; tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng ở các cấp học. Kết quả tốt nghiệp THPT đạt 99,21%. Đặc biệt, với quyết tâm cao nhất, tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện Đề án thành lập trường đại học tại Bến Tre là thành viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (tên gọi Đại học Tây Nam Bộ).

Công tác đào tạo nghề gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của DN và xã hội được quan tâm thực hiện. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 61,09%. Công tác giải quyết việc làm đạt 100% kế hoạch, tăng 8,91% so với cùng kỳ. Trong đó, có 367 lao động trúng tuyển đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Các chế độ, chính sách ưu đãi cho người có công và đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Các giải pháp giảm nghèo được triển khai đồng bộ với nhiều hoạt động cụ thể... Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2021 giảm còn 2,93%, giảm 0,65% so với năm 2020 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020) và khoảng 4,24% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025).

Tỉnh tập trung triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và kiểm soát khá tốt dịch bệnh. Triển khai quyết liệt công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Tính đến ngày 2-1-2022, số người được tiêm mũi 1 là 1.036.954 người, đạt tỷ lệ 99,9%; số người được tiêm mũi 2 là 998.863 người, đạt 96,3%; số người được tiêm mũi 3 là 250.661 người, đạt 33,1% dân số tỉnh trên 18 tuổi; trẻ em từ 12 - 17 tuổi tiêm mũi 1 là 104.853 người, đạt 100%, tiêm mũi 2 là 99.810 người, đạt 95,6%.

Công tác an sinh xã hội cơ bản bảo đảm thực hiện tốt, quyết tâm không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm thiết yếu. Trong công cuộc chống dịch Covid-19, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều tấm lòng nhân ái, nghĩa cử cao đẹp đã góp phần lan tỏa những giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc nói chung, tinh thần “Đồng khởi” của người dân Bến Tre nói riêng và sự giúp đỡ kịp thời đầy ý nghĩa của tổ chức, DN, nhà hảo tâm cho tỉnh nhà.

Quốc phòng, an ninh được giữ vững

Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tập trung quyết liệt, góp phần phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và kiềm chế tai nạn giao thông. Các lực lượng chức năng chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị quan trọng và giữ ổn định tuyến biên giới biển. Huy động sức mạnh toàn dân trong phòng ngừa, đấu tranh và trấn áp tội phạm. Tỉnh đã thực hiện đạt 100% chỉ tiêu chiến lược cấp căn cước công dân do Bộ Công an giao.

Tỉnh hoàn thành đạt 100% chỉ tiêu giao quân năm 2021, chất lượng quân nhân tiếp tục được cải thiện. Hoạt động kiểm soát việc đánh bắt thủy sản xa bờ được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, trong năm qua vẫn còn 7 phương tiện/51 thuyền viên khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và bị bắt giữ; đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 trường hợp.

Công tác cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ công chức được tập trung thực hiện quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động ổn định đã góp phần cung cấp tốt hơn dịch vụ công đến người dân, DN. Công tác kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy chính quyền các cấp được quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Kịp thời kiện toàn cơ cấu tổ chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và tổ chức triển khai thực hiện rà soát, sáp nhập các đơn vị hành chính ở ấp, khu phố theo phương án được duyệt.

Quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu năm 2022

Năm 2022 là năm thứ hai triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề để phục hồi, phát triển và thúc đẩy tăng trưởng trong cả giai đoạn. UBND tỉnh tiếp tục quán triệt phương châm “Chính quyền mạnh, trách nhiệm cao, sáng tạo, phục vụ nhân dân và đồng hành cùng DN” sẽ tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để đạt mức tăng trưởng kinh tế GRDP 8 - 8,5% và hoàn thành cao nhất 22 chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH trong năm 2022, trong đó đặt trọng tâm vào các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất, chỉ đạo, điều hành bằng những việc làm cụ thể, có tính đột phá, tầm nhìn trong thực hiện các giải pháp phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh; các công việc có sản phẩm đầu ra rõ ràng, làm thước đo đánh giá chất lượng công việc. Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công vụ và ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nhất là hiệu quả công tác tham mưu, đề xuất, đảm bảo chất lượng, kịp thời, đúng quy định.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Sẵn sàng các kịch bản, phương án phù hợp, nguồn lực để ứng phó với mọi tình huống diễn biến dịch bệnh. Nâng cao năng lực cho y tế cơ sở trong phòng chống dịch. Tranh thủ tối đa cơ hội tiếp cận nguồn vắc-xin và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, đảm bảo an toàn, đúng người, đúng đối tượng; mở rộng đối tượng tiêm theo lộ trình để sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Thứ ba, tập trung triển khai các kế hoạch tổ chức thực hiện các văn bản cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và đẩy nhanh tiến độ thi công 11 công trình, dự án trọng điểm. Triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế; thực hiện linh hoạt các chính sách để thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, kích thích tăng trưởng kinh tế.

Thứ tư, xây dựng một số vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; hỗ trợ DN liên kết chuỗi giá trị ngành nông sản, thủy sản; xây dựng hoàn thành Trung tâm Cây giống, hoa kiểng Chợ Lách; phát triển ít nhất 500ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao; triển khai có hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM theo lộ trình đã đề ra. Phát triển nhanh các ngành công nghiệp chủ lực, nhất là công nghiệp chế biến các sản phẩm từ các nguồn nguyên liệu nông - thủy sản của tỉnh. Tập trung, dồn sức hoàn thành đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận; hoàn tất thủ tục thành lập và thu hút đầu tư Khu công nghiệp An Nhơn, thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp mới. Chú trọng phát triển thương mại điện tử; thực hiện tốt các giải pháp bình ổn thị trường, kết nối cung cầu. Triển khai có hiệu quả kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh trong điều kiện thích ứng an toàn Covid-19.

Thứ năm, quản lý, điều hành ngân sách nhà nước chủ động, linh hoạt, hiệu quả; khai thác tốt các nguồn thu, chống chuyển giá trốn thuế; hỗ trợ các dự án điện gió sớm hoàn thành và vận hành thương mại để tạo nguồn thu ngân sách. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh. Huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tạo sức lan tỏa và động lực cho phát triển KT-XH. Đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công, ưu tiên nguồn vốn cho các công trình trọng điểm để tạo động lực phát triển. Tập trung cao để khởi công ít nhất 4 dự án phát triển đô thị.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tất cả các tuyến; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực y tế và chế độ chính sách đãi ngộ cho cán bộ y tế cơ sở; thực hiện tốt các chính sách đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch để họ an tâm công tác. Đổi mới linh hoạt hình thức giáo dục đào tạo để vừa thích ứng với diễn biến dịch bệnh vừa đảm bảo hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học. Tổ chức chu đáo các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ, kỷ niệm trọng đại trong năm, nhất là tổ chức thành công kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu. Hoàn thành thủ tục đề nghị thành lập trường đại học tại Bến Tre là thành viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Thứ bảy, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì và nâng cao chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS của tỉnh trong năm 2022. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tập trung thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành trong tất cả các lĩnh vực; thành lập Khu Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số tỉnh; tiếp tục phát triển hạ tầng số, cơ sở dữ liệu số, xây dựng chính quyền điện tử. Triển khai hoạt động hiệu quả Trung tâm Giám sát điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) tỉnh.

Thứ tám, thực hiện nghiêm túc các đề án, kế hoạch về xây dựng, hoạt động, diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, huyện. Chủ động tấn công trấn áp các loại tội phạm; bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh mạng và bảo vệ bí mật Nhà nước, kéo giảm tai nạn giao thông. Triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài. Tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại kéo dài.

Thứ chín, xây dựng hoàn thành và triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; tận dụng tốt cơ hội do các hiệp định thương mại tạo ra để thúc đẩy giao thương và xuất khẩu của tỉnh; tích cực thực hiện liên kết vùng, hợp tác phát triển KT-XH với TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và tiểu vùng duyên hải phía Đông. Tranh thủ vận động, kêu gọi các nguồn vốn, nguồn tài trợ cho mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.

Bến Tre từng bước phục hồi và phát triển KT-XH, đảm bảo công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân và đạt tốc độ tăng trưởng GRDP dương cả năm nhờ sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các bộ ngành, Trung ương; sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy; cùng sự quyết tâm, nỗ lực, đồng thuận của hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế đã thúc đẩy KT-XH tỉnh nhà tăng trưởng và đạt kết quả khá trên các lĩnh vực.

Chào xuân mới Nhâm Dần, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, tôi xin trân trọng cảm ơn và kính chúc các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân Bến Tre đang sinh sống, học tập, lao động, làm việc trong và ngoài tỉnh luôn hạnh phúc, mạnh khỏe và thành đạt. Chúc năm mới Nhâm Dần 2022 Bến Tre phát triển đột phá và bền vững.

Trần Ngọc Tam

 Phó bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN