Thí điểm phiên tòa trực tuyến tại Tòa án nhân dân tỉnh

11/07/2022 - 05:51

BDK - Trong các ngày từ 28 đến 30-6-2022, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã tổ chức thí điểm 3 phiên tòa trực tuyến (PTTT). Hoạt động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV về tổ chức PTTT. Qua đó, nâng cao hiệu quả xét xử, xây dựng chính quyền điện tử, hệ thống PTTT của tỉnh với các huyện, thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần cải cách thủ tục và giảm thiểu thời gian lãng phí trong các hoạt động hành chính.

Quang cảnh phiên tòa trực tuyến được thí điểm tại Tòa án nhân dân tỉnh. Ảnh: Thanh Đồng

Quang cảnh phiên tòa trực tuyến được thí điểm tại Tòa án nhân dân tỉnh. Ảnh: Thanh Đồng

Quan điểm tổ chức phiên tòa trực tuyến

PTTT là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm. Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức PTTT được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 2 ngày 12-11-2021, cho phép TAND được tổ chức PTTT.

Đối với nội dung này, TAND tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức PTTT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-2-2022.

Theo đó, quan điểm xây dựng Quy chế tổ chức PTTT tại tòa án là: Thực hiện đúng các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp và xây dựng xã hội số. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp. Tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục tố tụng của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính. Bảo đảm các nguyên tắc pháp quyền: độc lập, công khai, bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật và trật tự tôn nghiêm. Bảo đảm bí mật, an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu theo quy định của pháp luật. Tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về xét xử trực tuyến, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Theo quy định, TAND được tổ chức PTTT để xét xử sơ thẩm đối với vụ án hình sự mà bị cáo bị đưa ra xét xử về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, chứng cứ rõ ràng và bị cáo đang bị tạm giam hoặc đang chấp hành án tại cơ sở giam giữ; xét xử phúc thẩm đối với vụ án hình sự mà bị cáo bị tòa án cấp sơ thẩm kết án về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng; xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đối với các vụ án dân sự, hành chính có tính chất đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, các đương sự có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng. Việc tổ chức PTTT phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.

Ba PTTT tại Bến Tre đã diễn ra, gồm: phiên tòa hình sự phúc thẩm đối với bị cáo Đặng Quốc Duy, bị xét xử sơ thẩm về tội trộm cắp tài sản. Phiên tòa hình sự phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Văn Tèo, bị xét xử sơ thẩm về tội cố ý gây thương tích. Phiên tòa hình sự phúc thẩm đối với bị cáo Trần Văn Nu, bị xét xử sơ thẩm về tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

Các phiên tòa có điểm cầu trung tâm tại Phòng xét xử số 2, trụ sở TAND tỉnh và điểm cầu thành phần tại các nhà tạm giam Công an huyện và Trại tạm giam Công an tỉnh. Các phiên tòa do TAND tỉnh và đơn vị Viettel Bến Tre phối hợp tổ chức.

Đảm bảo các nguyên tắc tổ chức theo quy định

Về trình tự, thủ tục PTTT thực hiện như phiên tòa thông thường theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch số 05/2021 đưa ra một số yêu cầu cần thực hiện tại PTTT. PTTT phải được ghi âm, ghi hình có âm thanh dưới dạng dữ liệu điện tử. Đáng chú ý, Điều 14 thông tư quy định về xử lý các tình huống xảy ra tại phiên tòa. Trường hợp trước khi diễn ra phiên tòa hoặc trong quá trình diễn ra PTTT mà hệ thống trực tuyến bị gián đoạn do lỗi kết nối đường truyền, mất điện hoặc sự cố khác làm phiên tòa không thể tiếp tục được thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm ngừng phiên tòa. Công chức tòa án hoặc cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ sở giam giữ thông báo quyết định tạm ngừng phiên tòa cho những người tham gia tại điểm cầu thành phần.

Đối với các điểm cầu, đã được quy định chi tiết những quy định khi thực hiện PTTT. Trong đó, tại điểm cầu trung tâm, phòng xử án tại điểm cầu trung tâm được tổ chức theo quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC của Chánh án TAND tối cao quy định về phòng xử án. Phòng xử án phải được trang bị hệ thống trực tuyến, gồm: trang thiết bị điện tử, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin riêng biệt với trang thiết bị công nghệ thông tin thông thường khác của tòa án. Phòng xử án phải trang bị các thiết bị phục vụ PTTT như sau: hệ thống chiếu sáng, hệ thống đường truyền và thiết bị mạng, hệ thống âm thanh, thiết bị hiển thị hình ảnh tại điểm cầu trung tâm và các điểm cầu thành phần PTTT, thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình, phần mềm truyền hình trực tuyến, thiết bị camera ghi hình toàn bộ diễn biến phòng xử án, thiết bị lưu trữ dữ liệu, máy chiếu vật thể dùng để trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa, thiết bị lưu điện.

Điểm cầu thành phần của PTTT tối đa không quá 3 điểm cầu và phải đảm bảo các yêu cầu cụ thể. Đối với phiên tòa hành chính, dân sự phải bảo đảm không gian tại điểm cầu lịch sự, nghiêm túc, yên tĩnh; ánh sáng phù hợp không gian, tránh ngược sáng, màu sắc phản cảm; bảo đảm hình ảnh, không gian xung quanh người tham gia được hiển thị đầy đủ trên màn hình trình chiếu; các thiết bị điện tử phù hợp bảo đảm việc truyền âm thanh và hình ảnh tại phiên tòa được thực hiện rõ nét, không gián đoạn.

Đối với phiên tòa xét xử vụ án hình sự mà điểm cầu thành phần đặt tại cơ sở giam giữ phải đảm bảo các yêu cầu quy định tại điểm a khoản 2 điều này; phải được bố trí Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tương ứng như tại điểm cầu trung tâm; bố trí bục khai báo cho bị cáo. Đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi thì việc bố trí vị trí cho bị cáo, người đại diện, người bào chữa phù hợp với quy định về phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên. Trường hợp có người tham gia tố tụng khác thì phải bố trí vị trí tương ứng như điểm cầu trung tâm.

Yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ cho các điểm cầu phải tuân thủ theo quy định, hướng dẫn của TAND tối cao, Bộ Công an. Việc vận hành, quản lý hệ thống PTTT thực hiện theo quy định, hướng dẫn của TAND tối cao. Khi tham gia PTTT, phải tuân thủ quy định nội quy phòng xử án, luôn để thiết bị điện tử ở trạng thái mở carema, tắt âm thanh micro, trừ trường hợp được yêu cầu phát biểu, không được tạo các tạp âm khác trong khi thiết bị điện tử đang để chế độ mở tiếng, gây ảnh hưởng đến phiên tòa. Người tham gia phiên tòa phải mặc trang phục nghiêm chỉnh, không đứng dậy hay rời đi trong thời gian xét xử khi chưa được chủ tọa phiên tòa cho phép, không chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh hoặc phát tán tài liệu hoặc phát tán thông tin tài khoản đăng nhập vào hệ thống xét xử trực tuyến, phát trực tiếp phiên tòa trên không gian mạng.Đương sự, bị hại, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tham gia PTTT phải xuất trình giấy tờ tùy thân như chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu/thẻ luật sư/thẻ trợ giúp viên pháp lý để đối chiếu. Trường hợp đương sự ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng thì người được ủy quyền còn phải xuất trình văn bản ủy quyền.

Tổ chức PTTT là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp, xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tư pháp không chậm trễ, tiết kiệm chi phí xã hội. Bên cạnh đó, tổ chức PTTT còn là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án số, tiến tới xây dựng Tòa án thông minh.

Các trường hợp không được tổ chức PTTT, gồm: vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước; vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự; vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự.

Thanh Đồng (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN