Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi trao bằng khen cho các tập thể tiêu biểu trong thi đua xây dựng nông thôn mới huyện Chợ Lách. Ảnh: T. Đồng
Phong trào Đồng khởi 1960 của Bến Tre là dấu son chói lọi, đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng như ngọn cờ đầu, có một vị trí xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của miền Nam nói riêng và cả nước nói chung. Với thắng lợi của phong trào Đồng khởi và thắng lợi của Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, Bến Tre đã vinh dự được Trung ương tuyên dương, phong tặng danh hiệu 8 chữ vàng “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ diệt ngụy”. Nhìn từ góc độ thi đua, có thể xem đây là một điển hình hoàn hảo, từ vận dụng sáng tạo Nghị quyết của Đảng, đến tổ chức lực lượng và tiến hành cuộc Đồng khởi giành thắng lợi.
Đảng bộ, dân và quân tỉnh nhà rất tự hào về truyền thống yêu nước, truyền thống quê hương Đồng khởi anh hùng và vận dụng sáng tạo vào trong giai đoạn cách mạng mới. Dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn, thử thách nào vẫn luôn nêu cao khí thế tiến công, tinh thần và ý chí của cuộc Đồng khởi năm 1960 thật sự trở thành “cảm hứng”, là nguồn lực tinh thần to lớn, được cụ thể hóa bằng các chủ trương, nghị quyết, chương trình, đề án. Đặc biệt là phong trào thi đua Đồng khởi mới trong xây dựng và phát triển quê hương đã triển khai hiệu quả những năm qua và tiếp tục duy trì nhằm động viên toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh nhà tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.
Phong trào thi đua Đồng khởi mới giai đoạn 2020 - 2025 được triển khai theo phương châm “2 chân - 3 mũi”. Cụ thể “2 chân” là [1] Xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và [2] Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; “3 mũi” là [1] Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, [2] Huy động nguồn lực, phát triển hạ tầng và [3] Phát triển nguồn nhân lực. Có thể nói, từng nội dung thi đua được nêu trong “2 chân - 3 mũi” có tính bao quát toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Các cấp ủy đảng và người đứng đầu có trách nhiệm quán triệt, tổ chức triển khai thành các nội dung cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị mình. Chọn những nhiệm vụ trọng tâm có tính nền tảng và “mũi” đột phá để phân kỳ nguồn lực thực hiện, tránh dàn trải, phô trương hình thức.
Phong trào thi đua Đồng khởi mới cần được quan tâm đổi mới hình thức theo hướng cụ thể, hiệu quả, sáng tạo, tạo “cảm hứng hành động” thôi thúc cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và có những đóng góp thiết thực. Trong phát động thi đua, cần xây dựng điển hình hoặc tiêu chí để làm cơ sở phát động; từ đó, khuyến khích thi đua với điển hình theo 3 cấp độ là “học tập điển hình - bắt kịp điển hình - vượt qua điển hình”; kịp thời sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng các tập thể - cá nhân tiêu biểu, đồng thời quan tâm nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình kiểu mẫu, tiếp tục đưa phong trào ngày càng phát triển, lan tỏa sâu rộng khắp các cấp, các ngành.
Phong trào thi đua Đồng khởi mới phải được triển khai đồng bộ trong nội bộ đảng, hệ thống chính trị và trong nhân dân. Trong một chi bộ thì các đảng viên thi đua với nhau, trong đảng bộ thì các chi bộ thi đua với nhau; địa phương này thì đua với địa phương khác, ngành này thi đua với ngành khác. Từ đó, tạo ra phong trào “Người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua” thực hiện cuộc “Đồng khởi mới”. Ở đây, đảng viên thi đua với nhau trong thực hiện nhiệm vụ chính trị hoặc trong rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; chi bộ thi đua với nhau nhằm xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh; các xã thi đua với nhau xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu v.v...; lực lượng vũ trang, ngành giáo dục, y tế, các cơ quan, đơn vị... căn cứ chức năng nhiệm vụ, chọn nội dung thi đua để phát động phong trào.
Điểm lại một vài phong trào thi đua tiêu biểu, như tuyến đường sắt Bắc - Nam được thực hiện trong một năm, đường điện 500 kV Bắc - Nam (mạch một) được hoàn thành trong hai năm... cho thấy các phong trào thi đua trong lao động, sản xuất đã tạo nên những công trình tầm vóc, có ý nghĩa thời đại lớn lao, tạo dấu ấn trên chặng đường xây dựng, phát triển của đất nước. Những công trình đó không chỉ có giá trị về mặt kinh tế - xã hội, mà còn trở thành biểu tượng tự hào, là sức mạnh tinh thần, tiếp tục củng cố niềm tin, mối quan hệ gắn bó máu thịt của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, phong trào thi đua Đồng khởi mới cần phải được “vật chất hóa” bằng những công trình, dự án cụ thể, có tác động tích cực, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao rõ rệt đời sống nhân dân tỉnh nhà. Đó cũng chính là sự tiếp nối xứng đáng, phát huy sáng tạo tinh thần Đồng khởi 1960 của Đảng bộ, dân và quân tỉnh nhà trong tình hình mới.
Phong trào thi đua Đồng khởi mới cần huy động được sức mạnh tổng hợp, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân không phân biệt lương giáo, cộng đồng doanh nghiệp... và cả sự góp ý, giúp sức của cộng đồng người Bến Tre ngoài tỉnh. Đồng thời, cách thức thi đua phải hết sức sáng tạo, thiết thực và kết quả thi đua phải được lượng hóa, đánh giá được hiệu quả, tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Kiên quyết khắc phục tình trạng hình thức, đối phó, kiểu “đầu voi đuôi chuột” v.v... Từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và người dân tỉnh nhà phải xem thi đua Đồng khởi mới vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm lớn lao để đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.
Thực tiễn năm 2020 cho thấy, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách đến đâu, nhưng nếu có quyết tâm cao, chủ động, tập trung và có cách làm tốt, chúng ta nhất định sẽ đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Bằng niềm tin, ý chí của cuộc Đồng khởi 1960, cùng với khát vọng vươn lên, toàn đảng bộ, dân và quân tỉnh nhà đoàn kết, chung sức chung lòng đưa cuộc Đồng khởi mới giành những thắng lợi to lớn, góp phần tạo nên diện mạo mới, tương lai tốt đẹp hơn trên quê hương Bến Tre Đồng khởi anh hùng.
Phan Văn Mãi - Bí thư Tỉnh ủy