Thiết bị hỗ trợ người lái xe mô tô

12/08/2019 - 06:49

BDK - Là một trong ba giải nhì tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh năm 2019 (không có giải nhất), sản phẩm “Thiết bị hỗ trợ cho người lái xe mô tô khi bị tai nạn hoặc bị cướp” của em Lê Đăng Quang (học sinh lớp 11, Trường THPT Che Guevara) và Nguyễn Quốc Thiện (học sinh lớp 12, Trường THPT Quản Trọng Hoàng), huyện Mỏ Cày Nam đã tạo ấn tượng với ban tổ chức vì tính ứng dụng và tính mới trong lĩnh vực phần mềm tin học. Sản phẩm này đang cùng 3 sản phẩm khác dự thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp quốc gia.

Em Lê Đăng Quang (bên phải) và em Nguyễn Quốc Thiện. Ảnh: T. Đồng

Em Lê Đăng Quang (bên phải) và em Nguyễn Quốc Thiện. Ảnh: T. Đồng 

Ý tưởng từ thực tế

Chia sẻ về ý tưởng sáng tạo của nhóm, em Lê Đăng Quang cho biết, em nảy sinh ý tưởng về thiết bị hỗ trợ này từ hai năm trước khi thấy nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra, có nhiều trường hợp vì nạn nhân không được phát hiện kịp thời để đưa đi cấp cứu nên dẫn đến tử vong. Rồi đến khi thấy dư luận xôn xao vì xảy ra nhiều vụ cướp xe, nhất là những trường hợp bị cướp xe của những tài xế xe Grab, em càng quyết tâm tìm cách nào đó để giải quyết vấn đề. Sau khi chia sẻ ý tưởng với người bạn lớn hơn một lớp là Nguyễn Quốc Thiện, hai em quyết định tìm cách tạo ra một thiết bị và ứng dụng có thể tích hợp vào xe và điện thoại di động để khi không may xảy ra tình huống bị cướp xe hoặc bị tai nạn thì người chủ xe sẽ có thể được giúp đỡ kịp thời.

Nhờ sự tư vấn của thầy giáo phụ trách về thiết bị và cách lập trình các chương trình xác định va chạm xe, xác định tọa độ xe, gửi tin nhắn và gọi điện cho người thân, xử lý nút khẩn cấp... các em đã hoàn thành bộ thiết bị hỗ trợ. Bộ sản phẩm gồm các thành phần như: thiết bị cảm biến gia tốc để phát hiện va chạm hoặc tình trạng té ngã của xe, thiết bị định vị GPRS, GPS, sim liên lạc, nút khẩn cấp… Thiết bị được lắp đặt vào xe ở những vị trí giấu kín như ở đầu xe hay ở dưới yên xe  để không bị phát hiện.

Kể lại quá trình từ ý tưởng đến hiện thực hóa thiết bị hỗ trợ người đi xe máy, Quốc Thiện chia sẻ: “Chúng em đã rút ra được nhiều điều từ quá trình làm nên thiết bị này. Đó là tinh thần không bỏ cuộc và quyết tâm đến cùng thì sẽ thành công”. Để hiểu và viết lập trình cho phần mềm điều khiển thiết bị, kiến thức ở trường phổ thông chưa đủ nên Quang và Thiện tự tìm hiểu trên mạng và mua sách về đọc thêm, cùng với sự tư vấn của thầy cô trong trường. “Trong quá trình làm, tụi em thí nghiệm và thất bại nhiều lần do thiết kế mạch sai. Cũng nhờ thầy Lê Đăng Khoa là thầy giáo dạy môn Công nghệ của em luôn động viên, khích lệ nên chúng em đã đi đến cùng”. Với sự giúp đỡ của thầy, Quang và Thiện tiến hành nhiều thí nghiệm tại phòng thí nghiệm rồi sau đó thử trên xe đạp của mình và cả xe máy.

Thiết bị hỗ trợ cho người lái xe mô tô khi bị tai nạn hoặc bị cướp của Quang và Thiện. Ảnh: CTV

Thiết bị hỗ trợ cho người lái xe mô tô khi bị tai nạn hoặc bị cướp của Quang và Thiện. Ảnh: CTV

Hỗ trợ người đi xe máy

Theo Đăng Quang, khi người lái xe bị tai nạn, va chạm hoặc té ngã, cảm biến gia tốc của thiết bị sẽ phát hiện được tình trạng tai nạn và tự động gửi tin nhắn định vị vị trí xe, đồng thời gọi điện thoại cho những số điện thoại cài đặt sẵn. Đồng thời kích hoạt chuông báo động cho mọi người xung quanh để nạn nhân có được sự giúp đỡ kịp thời. Trong trường hợp người lái xe bị uy hiếp cướp phương tiện, người lái xe có thể nhấn nút kích hoạt thiết bị để thiết bị sẽ tự động gửi tin nhắn định vị vị trí xe cho người thân và gọi điện thoại cho họ. “Chúng em nhận thấy, nhiều trường hợp cướp xe, chủ xe bị cướp tấn công, có khi mất mạng vì chống trả lại tên cướp. Nên nếu trên xe có sử dụng thiết bị hỗ trợ của chúng em, chủ xe có thể kích hoạt thiết bị ngay lúc đó và “hợp tác” giao xe cho tên cướp để đảm bảo an toàn tính mạng. Sau một thời gian từ lúc kích hoạt, thiết bị sẽ tự động tắt máy xe và gửi tin nhắn định vị vị trí xe giúp người lái tìm được xe, đồng thời kích hoạt chuông báo động cho mọi người xung quanh”, Đăng Quang diễn giải. Ở những trường hợp xe bị lấy cắp mà chủ xe không đuổi theo kịp hoặc khi cần thiết thì người sử dụng có thể dùng điện thoại di động để tắt máy xe, định vị vị trí xe, bật chuông báo thông qua việc gửi tin nhắn.

Ý tưởng của Đăng Quang và Quốc Thiện xuất phát điểm từ mong muốn hỗ trợ giải quyết các vấn đề bức xúc trong cuộc sống. Trong quá trình thực hiện, dù gặp những trở ngại nhất định nhưng với sự tư vấn của các thầy cô, Đăng Quang và Quốc Thiện đã thực hiện được ý tưởng sáng tạo của mình. “Hiện sản phẩm đã hoàn thành, chúng em mong muốn nhiều người có thể sử dụng thiết bị này rộng rãi. Chúng em cũng có dự định sẽ bắt tay vào làm nhiều hơn và giới thiệu đến các cửa hàng xe máy để khi khách hàng mua thì sẽ gắn thiết bị”, hai bạn học sinh bày tỏ những dự định xa hơn cho “đứa con tinh thần” của mình.

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN