 |
Tham quan vườn bưởi da xanh. |
Ngày 22-11-2008, Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành của Bến Tre đã tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học: “Xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ cho công tác quản lý, canh tác tổng hợp bưởi da xanh tỉnh Bến Tre. Đề tài do kỹ sư Nguyễn Văn Thành và nhóm tác giả công tác tại Trung tâm Thông tin và tài nguyên môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre thực hiện.
Bến Tre là vùng cây ăn trái nổi tiếng với nhiều chủng loại đặc sản, trong đó, bưởi da xanh được đánh giá có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, qua điều tra, việc phát triển bưởi da xanh ở tỉnh ta còn chậm, quy mô nhỏ lẻ, quy trình kỹ thuật canh tác của nhà vườn còn nhiều hạn chế, từ đó, sức cạnh tranh thấp. Đề tài “Xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ cho công tác quản lý, canh tác tổng hợp bưởi da xanh” được thực hiện với mục tiêu giúp cho nhà quản lý nắm được thông tin nhanh nhất hiện trạng canh tác bưởi da xanh của tỉnh Bến Tre nói chung và vùng dự án 4.000 ha nói riêng. Phạm vi nghiên cứu của đề tài nằm trong vùng dự án ở 5 huyện, thị gồm: Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày, Giồng Trôm và Thị xã. Nhóm tác giả thực hiện phương pháp nghiên cứu dựa trên việc điều tra, khảo sát hiện trạng canh tác, thông tin quy hoạch. Thu thập các tài liệu, số liệu, bản đồ có liên quan đến bưởi da xanh và điều kiện tự nhiên của vùng dự án. Thiết kế, xây dựng mô hình và hình thành cơ sở dữ liệu thuộc tính về hiện trạng canh tác và quy hoạch phát triển. Xây dựng cơ sở dữ liệu không gian GIS, đánh giá tính thích nghi đất đai, xử lý số liệu bằng kỹ thuật GIS. Xây dựng bản đồ hiện trạng canh tác bưởi da xanh và định hướng quy hoạch vùng trồng bưởi thích hợp. Từ đó, tạo ra lợi ích ứng dụng công nghệ GIS vào lĩnh vực nông nghiệp, cung cấp cơ sở dữ liệu và quy trình có tính khoa học cho các ngành trực tiếp hưởng thụ sản phẩm từ dự án mà cụ thể là các nhà quản lý và các nhà vườn trồng bưởi nói riêng và cây ăn trái nói chung.
Đề tài được các thành viên Hội đồng khoa học đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Nội dung, phương pháp nghiên cứu phù hợp với yêu cầu. Thiết kế hệ thống thông tin phù hợp với điều kiện của của đơn vị tiếp nhận. Hội đồng khoa học nhất trí đánh giá đề tài đạt loại xuất sắc.