Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 22 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh (HS) tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30 ngày 28-8-2014.
Theo đó, Thông tư số 22 sẽ giúp cho giáo viên đánh giá HS
dễ dàng hơn bằng 3 mức độ: hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Thay
vì trước đây theo Thông tư số 30 đánh giá học sinh chỉ có 2 mức là hoàn thành
và chưa hoàn thành. Thông qua quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối
mỗi học kỳ, giáo viên sẽ lượng hóa năng lực, phẩm chất của HS thành ba mức: tốt,
đạt, cần cố gắng (trước đây theo Thông tư số 30 chỉ có 2 mức đạt và chưa đạt).
Đối với lớp 4, lớp 5, có thêm bài kiểm tra định kỳ môn Tiếng
Việt, môn Toán vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II. Đề kiểm tra định kỳ phù hợp
chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực HS. Câu hỏi, bài tập
được thiết kế theo các mức như: mức 1: nhận biết; mức 2: hiểu kiến thức, kỹ
năng đã học; mức 3: biết vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết những
vấn đề quen thuộc, tương tự trong học tập, cuộc sống; mức 4: vận dụng các kiến
thức, kỹ năng đã học để giải quyết vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý
trong học tập, cuộc sống một cách linh hoạt.
Ngoài ra, Thông tư số 22 còn sửa đổi về hồ sơ đánh giá và
tổng hợp kết quả đánh giá HS. Theo đó, hồ sơ đánh giá gồm học bạ và bảng tổng hợp
kết quả đánh giá giáo dục của lớp. Giữa học kỳ và cuối học kỳ, giáo viên ghi kết
quả đánh giá giáo dục của HS vào bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp.
Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của các lớp được lưu giữ tại nhà trường
theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6-11-2016.