Bà Nguyễn Thị Vần (Giồng Trôm) có nhu cầu tư vấn: Năm 2016, cha tôi có lập di chúc phân chia tài sản cho 2 chị em chúng tôi. Người em trai của tôi có tính hay nhậu nhẹt nên cha tôi không vui, trong lúc tức giận ông đã đốt di chúc. Năm 2017, cha tôi bị bệnh phải điều trị dài ngày, không để lại di chúc và mất vào tháng 10-2017.
Xin hỏi: Di sản cha tôi để lại gồm 1,8ha đất vườn, 1 căn nhà cấp 4 ở tại vườn và căn nhà tường nhỏ ở trục lộ giao thông chính sẽ được phân chia ra sao?
Thắc mắc của bà được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Năm 2016, cha của bà lập di chúc phân chia di sản cho 2 chị em bà. Thế nhưng, ông đã đốt di chúc. Sẽ có 2 khả năng xảy ra như sau:
1- Lúc lập di chúc, cha của bà đã có đến chứng thực di chúc tại UBND xã hoặc phòng công chứng chưa. Bà cần đến các nơi nêu trên tìm hiểu xem sao, nếu có, bà xin bản lưu về để thực hiện theo di chúc.
2- Nếu cha của bà chưa đi chứng thực di chúc, sau khi ông mất thì di sản thừa kế sẽ được phân chia theo luật, nếu có xảy ra tranh chấp.
Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thừa kế theo pháp luật như sau:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
Về nguyên tắc, các nghĩa vụ về tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự, quy định tại Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể gồm:
“1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;
2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu;
3. Chi phí cho việc bảo quản di sản;
4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;
5. Tiền công lao động;
6. Tiền bồi thường thiệt hại;
7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước;
8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân;
9. Tiền phạt;
10. Các chi phí khác”.
Sau khi khấu trừ các khoản chi phí phát sinh (nếu có) theo quy định của luật thì tài sản sẽ được phân chia cho các thừa kế.
H.Trâm (thực hiện)